Tiêu điểm

Chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của hai Tổng cục sang năm 2023

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính.

Đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Tiếp tục Phiên họp thứ 18, chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung Chính phủ đã trình tại Tờ trình số 444 về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Chính phủ đã có Tờ trình số 444 trình Quốc hội cho phép điều chỉnh 2.268.248 triệu đồng từ dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 và năm 2023 cho Bộ Tài chính thực hiện 95 dự án đầu tư công của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình.

Do hiện nay đã gần hết niên độ ngân sách Nhà nước năm 2022, để các dự án được bố trí vốn có đủ thời gian hoàn thành, thanh toán và quyết toán vốn, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ báo cáo điều chỉnh một số nội dung tại Tờ trình số 444 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, phương án phân bổ vốn, Bộ Tài chính thực hiện rà soát chi tiết từng dự án để bảo đảm việc bố trí vốn cho từng dự án sát với tiến độ, khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn trong năm 2023 và năm 2024, cụ thể:

Điều hòa tăng/giảm kế hoạch vốn của các dự án cho phù hợp, tránh việc phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn nhiều lần; ưu tiên khởi công các dự án có đủ thủ tục, thực sự cần thiết cấp bách và sắp xếp được nguồn vốn bố trí.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giữ nguyên tổng mức vốn đề xuất điều chỉnh từ nguồn dự toán kinh phí chi thường xuyên sang chi đầu tư phát triển là 2.268.248 triệu đồng, giữ nguyên tổng số dự án là 95 dự án. Tuy nhiên, có điều chỉnh lại mức vốn bố trí của một số dự án cho phù hợp; thay đổi 1 danh mục dự án khởi công mới.

Tờ trình của Chính phủ cũng tổng hợp phương án phân bổ kế hoạch vốn 2.268.248 triệu đồng đối với 95 dự án đầu tư công của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp.

Về thời gian giao kế hoạch vốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 1 Điều 68 Luật Đầu tư công quy định: “Thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm đến ngày 31/1 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách Trung ương… cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau”...

Vì vậy, để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, triển khai giải ngân hết kế hoạch vốn được Quốc hội cho phép chuyển nguồn; trong khi các dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan không thuộc đối tượng được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân theo các trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phê duyệt:

“Điều chỉnh 2.268.248 triệu đồng từ dự toán kinh phí chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2023 của Bộ Tài chính thực hiện 95 dự án đầu tư công của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2024”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Thẩm tra về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán chi thường xuyên sang chi đầu tư của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là đúng thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, việc chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sang năm 2023 là cần thiết và đúng quy định...

Nhằm góp phần đảm bảo nguồn lực, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư, góp phần hiện đại hóa ngành thuế, hải quan theo các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách kiến nghị cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán kinh phí chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 và năm 2023 của Bộ Tài chính;

Thực hiện chuyển nguồn sang năm 2023 theo quy định của Luật đầu tư công để triển khai 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo Tờ trình số 444 và Tờ trình số 478 của Chính phủ.

Thời hạn giải ngân cho phép đến hết ngày 31/12/2024. Đồng thời, kiến nghị giao Chính phủ bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2023 và năm 2024 cho Bộ Tài chính theo thẩm quyền; chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước; tổng hợp báo cáo Quốc hội vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ UBTVQH thống nhất trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính. Đồng thời, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang các năm sau để thực hiện đầu tư các dự án của hai Tổng cục, thời gian giải ngân đến hết 31/12/2024, đưa nội dung này vào Nghị quyết về các nội dung ngân sách của Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV