Dân sinh

Chuyện người đánh máy chữ hiếm hoi nơi phố biển

Suốt 35 năm qua, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, công nghệ ngày càng phát triển nhưng bà Phạm Thị Anh Thư vẫn miệt mài mưu sinh bên hè phố bằng nghề đánh máy chữ.

Nghề đánh máy chữ qua 3 thế hệ

Giữa lòng phố biển nhộn nhịp, bàn đánh máy chữ của bà Phạm Thị Anh Thư (SN 1973, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nép mình khiêm tốn bên góc vỉa hè giao nhau giữa đường Hàn Thuyên và đường Phan Bội Châu (Tp.Nha Trang). Đều đặn mỗi ngày bà đều có mặt ở đây đánh máy chữ thuê vừa kiếm sống vừa níu giữ cái “nghề cổ” này. Một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi người làm nghề phải có hiểu biết về pháp luật và sự tận tâm.

Bà Thư cho biết, gia đình bà có 3 thế hệ làm nghề đánh máy chữ. Ông ngoại của bà làm nghề từ những năm 1960, sau đó mẹ bà nối nghiệp rồi truyền lại cho bà. Đến nay, gia đình bà còn lưu giữ cả chứng chỉ đánh máy, giấy đóng thuế môn bài, giấy phép hành nghề đánh máy chữ thuê… của ông ngoại và mẹ bà. Riêng bà sống và làm nghề này đã 35 năm, từ khi là một thiếu nữ cho đến bây giờ. Dù cuộc sống nhiều đổi thay, phố thị cũng dần khang trang, hiện đại hơn, duy chỉ có bà vẫn cần mẫn bên chiếc máy đánh chữ mang dấu ấn thời gian.

Giữa phố xá ồn ào, bà Phạm Thị Anh Thư vẫn cần mẫn đánh máy cho khách suốt 35 năm qua.

Trong trí nhớ của người phụ nữ U50, thời kỳ nghề đánh máy chữ ăn nên làm ra nhất là vào thập niên 80 và 90. Khi đó, không chỉ đánh máy đơn từ, văn bản, bà còn đánh máy cả những bản thảo thơ, truyện ngắn hay viết thư thuê gửi đi nước ngoài. Sau này, công nghệ ngày càng phát triển, máy vi tính ra đời, tiệm photocoppy ở khắp nơi, việc in ấn cũng trở nên dễ dàng hơn, nên nghề đánh máy chữ trở nên lỗi thời. Vì thế, những người làm nghề này cũng bỏ dần. Thế nhưng, dù thăng hay trầm, sự trân trọng của bà đối với nghề này vẫn chưa bao giờ đổi thay. Mỗi ngày bà vẫn miệt mài bên chiếc máy đánh chữ để lắng nghe những câu chuyện của khách hàng rồi thảo những lá đơn với sự tận tâm nhất.

Giữa phố xá ồn ào, những tiếng lách cách phát ra từ chiếc máy đánh chữ cũ kỹ của bà nghe thật vui tai, khác lạ. Thanh âm cũ kỹ ấy như níu giữ thời gian, lắng đọng những hồi ức tốt đẹp một thời của nghề đánh máy chữ. Bà Thư cho biết thêm, đây là chiếc máy thứ 3 mà bà đã sử dụng. Chiếc máy đã cũ, nhiều phím không còn thấy chữ. Thật may vì ở Nha Trang vẫn còn một người thợ sửa chữa mỗi khi hỏng hóc. Trong khi đó, các cuộn dây mực cũng đã ngừng sản xuất nên bà phải độ chế lại để sử dụng cho máy đánh chữ của mình.

Tuy không ai quản lý, nhưng bà Thư đặt ra thời gian biểu và nguyên tắc làm việc riêng cho chính mình. Hàng ngày, sáng vào khoảng 8h, chiều tầm 14h bà lại ra đây ngồi để đánh máy thuê đơn từ, văn bản cho khách. Dù nắng hay mưa, ở góc đường quen thuộc ấy, mọi người vẫn thấy một người phụ nữ cặm cụi làm việc bên chiếc máy đánh chữ.

Một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi người làm nghề phải có hiểu biết về pháp luật và sự tận tâm để làm ra một cái đơn hợp tình hợp lý.

Để tâm vào nội dung đánh máy

 “Muốn làm nghề này phải có năng khiếu và cả kiến thức về pháp luật. Khi khách đưa ra bất cứ câu chuyện nào mình phải hiểu được, rút gọn nội dung và làm đơn hợp tình hợp lý. Vì vậy, mỗi ngày tôi phải cập nhật, tiếp thu thông tin mới cả trong và ngoài nước; đọc sách, báo để có kiến thức”, bà Thư cho biết. Thế nên, không phải đơn từ nào bà cũng nhận làm. Cũng chính điều này mà bà đã khiến không ít người phật lòng, nhưng không vì đồng tiền mà bà xóa bỏ nguyên tắc của mình.

Bà Thư chia sẻ: “Trước khi viết đơn, tôi phải hỏi rõ người làm đơn về vụ việc, thông tin tường tận rồi suy nghĩ, rút gọn nội dung. Riêng với những đơn không biết rõ thông tin, mơ hồ hay đơn kiện cáo mà mình không biết gì về người bị tố cáo thì tôi không nhận làm”. Còn đối với đơn ly hôn, chỉ những trường hợp nào sau khi khuyên bảo mà không còn cứu vãn nữa thì bà mới chịu “chấp bút”, bởi với bà “ly hôn không phải là giải pháp tốt nhất”. Trong câu chuyện của những người muốn viết đơn ly hôn, bà thường tìm cách khuyên họ nên suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định.

Không chỉ làm đơn cho khách, bà còn hướng dẫn, tư vấn cho khách những gì họ chưa hiểu, chưa rành nên có nhiều khách hàng luôn tìm đến bà mỗi khi gặp khó khăn.

Ngày trước, bà Thư đánh máy bằng các đầu ngón tay trên những phím chữ cũ kỹ, nhưng về sau bà mày mò chế ra dụng cụ để gõ bàn phím là một thanh gỗ nhỏ để tay không bị đau. Dù sử dụng bằng cách nào, từng động tác gõ phím của bà vẫn nhanh nhẹn, chính xác đến từng chữ trong đơn. Bởi nghề này, mỗi con chữ đánh xuống là không thể xóa như máy vi tính mà phải gõ lại từ đầu. Chính nhờ sự cẩn thận, tỉ mỉ và sự tập trung của mình, bà luôn hoàn thành lá đơn trong sự hài lòng của khách hàng.

Tay gõ phím, đầu suy nghĩ nội dung nhưng bà Thư vẫn luôn trò chuyện thân tình, vui vẻ với khách vì bà đã quá quen với công việc này. Viết một lá đơn bình thường, bà thường lấy khoảng 20.000 – 30.000 đồng, những đơn từ khó hơn, mất nhiều công sức thì khoảng 50.000 đồng trở lên, cao nhất cũng chỉ trăm nghìn đồng là cùng. Đôi khi thấy hoàn cảnh của người làm đơn quá khổ, bà còn làm giúp mà không lấy tiền, nhưng sau khi làm xong mới nói cho họ biết. Người được giúp xúc động sau khi nhận được lá đơn, còn bản thân bà rất vui vì có thể góp chút công sức giúp người lúc khó khăn.

Chiếc máy đánh chữ cũ kỹ nhưng giúp bà nuôi sống gia đình mình nên dù thăng hay trầm, sự trân trọng dành cho nghề đối với bà vẫn chưa bao giờ thay đổi.

Bà Thư chia sẻ, khách hàng đến với bà đa số là những người lao động nghèo, những người nông dân, tiểu thương… Lúc trước, có những khách hàng ở tận Tp.Cam Ranh vẫn lặn lội ra Tp.Nha Trang cách hơn 60 cây số để nhờ bà thảo những lá đơn. Thấy bà lấy rẻ, nội dung đơn lại đúng ý, đúng nội dung cần làm nhiều khách còn cho thêm tiền. Việc đánh máy chữ thuê có ngày đắt, ngày ế nhưng không vì vất vả mưu sinh mà ai thuê đánh máy đơn gì bà cũng làm.

Biết đến bà Thư hơn 23 năm qua, bà Nguyễn Thị Kim Hương (ngụ phường Vĩnh Nguyên, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, với những đơn từ khó cần làm bà đều đem đến nhờ bà Thư tư vấn và đánh máy lá đơn. “Tôi thấy bà Thư làm đơn hay, hợp ý, nội dung đầy đủ nên mỗi khi có việc cần tôi đều đến đây làm đơn. Những chỗ không hiểu, không rành hay còn những điều thắc mắc tôi cũng có thể hỏi bà”, bà Hương nói.

Dù nắng hay mưa, ở góc đường quen thuộc ấy, mọi người vẫn thấy một người phụ nữ cặm cụi làm việc bên chiếc máy đánh chữ.

Suốt 35 năm làm nghề đánh máy chữ thuê, bà Thư đã nghe bao chuyện của người của đời và có nhiều kỷ niệm chẳng bao giờ quên. “Khách hàng đến với tôi đa phần là gặp khó khăn, rắc rối nên mình cũng nghe chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui. Có người hiểu được công sức của mình nên sau khi làm xong đơn còn cho thêm tiền. Gần đây, có vị khách ở tận huyện Cam Lâm sau khi thắng kiện đã quay lại cảm ơn đến 1 triệu đồng, tôi bất ngờ mà cũng rất vui. Tuy nhiên, cũng có lần tôi gặp những người không hiểu chuyện, khi mình từ chối làm đơn họ quay lại mắng chửi mình”, bà Thư chia sẻ.

Giữa dòng người ngược xuôi, phố xá nhộn nhịp, hình ảnh người phụ nữ chăm chỉ gõ từng chữ bên chiếc máy đã có tuổi như nốt lặng giữa đời thường. Tiếng phím chữ lách cách ấy như âm thanh vang vọng về một thời hoàng kim của nghề đánh máy chữ. Có thể, ở thành phố này, sau bà Thư chẳng còn ai làm cái nghề này nữa nhưng bà vẫn sống hết mình với công việc mỗi ngày.

Chiếc máy đánh chữ đã theo bà rất nhiều năm tháng.

Suốt 35 năm gắn bó với công việc, đánh máy không biết bao nhiêu loại đơn từ cho khách, bà Thư khá rành về cách làm nhiều loại văn bản hành chính khác nhau. Nhờ đó, đã rất nhiều lần bà tư vấn cho khách những kiến thức, vấn đề mà họ không biết hay còn phân vân, chưa rõ để hoàn thiện nội dung cho đúng. Chính vì vậy, dù hiện nay có nhiều cơ sở đánh máy vi tính nhưng vẫn có nhiều người tìm đến bà.

Có thể, sau bà chẳng còn ai làm cái nghề này nữa nhưng bà vẫn sống hết mình với công việc mỗi ngày.

Châu Tường