Cộng đồng mạng

Chuyện lạ: Chuyện về tình yêu "sống chết có nhau" của loài chim hồng hạc

Đây là loài chim duy nhất trên thế giới tuân thủ quy tắc kết bạn đặc biệt "sống chết có nhau".

Chim hồng hạc là một trong ít loài sinh vật thuộc giới tự nhiên tuân thủ quy tắc kết bạn một một trong cuộc sống khá đặc biệt. Chúng sống cùng nhau, bay cùng nhau, đứng cạnh nhau và chết cũng cùng nhau.

Loài chim này cũng sở hữu những đặc điểm khiến giới khoa học kỳ công giải thích.

Đời sống văn hóa, tình cảm của những cặp đôi chim hồng hạc được cho là hiếm có trong thế giới tự nhiên, thậm chí chúng có quy tắc như con người trong việc chọn bạn đời.

Các mối quan hệ của chim hồng hạc duy trì liên kết chặt chẽ, gắn bó keo sơn trong nhiều thập kỷ. Đó là cặp vợ chồng đã kết hôn, tình bạn đồng giới và thậm chí là nhóm ba hoặc bốn bạn thân.

Hồng hạc chuyên sống nơi ẩm ướt và làm tổ tại vùng xăm xắp nước. Đến lúc con mái nằm ổ thì con trống đi nhặt từng cọng rơm rạ đem về đặt phía dưới chỗ nằm của vợ cho được khô ráo. Đặc biệt chim trống rất kỹ tính, lựa chọn cẩn thận từng cọng rơm và dùng mỏ lắc cọng rơm qua lại cho sâu bọ hay rác rến rơi ra bằng hết mới sử dụng.

Dễ dàng có thể nhận thấy những cặp đôi chim hồng hạc thân thiết vì chúng luôn đứng gần nhau, khăng khít không rời.

Hồng hạc có tính xã hội cao rất cẩn thận chọn bạn chơi và có né tránh một số cá thể nhất định. Nếu một con chim đến quá gần con khác, cá thể còn lại sẽ sử dụng cái cổ dài và mỏ khổng lồ để tấn công nhắc nhở.

Mỏ hồng hạc có cấu tạo độc nhất trong thế giới loài chim, mỏ trên là bộ phận có thể cử động và cũng nhỏ hơn mỏ dưới rất nhiều. Đây là cách để chim hồng hạc thích nghi với phương thức ăn đặc biệt khi dùng chiếc mỏ theo một cách ngược đời.

Có ai thắc mắc tại sao loài chim đặc biệt này có màu hồng hay không?

Đó là vì thức ăn chủ yếu của chúng là tảo và các loài giáp xác nhỏ. Đó chính là nguyên nhân khiến hồng hạc có màu hồng do chứa sắc tố carotenoid.

Sắc tố đỏ phổ biến trong tự nhiên và cũng là lí do cà chua, cà rốt có màu đỏ. Qua nhiều năm tháng, sắc tố này tích tụ trong cơ thể hồng hạc từ từ biến bộ lông vũ màu trắng hoặc xám của chúng thành màu đỏ hoặc hồng.

Tại sao hồng hạc đứng mãi bằng một chân mà không mỏi?

Cũng giống như ngựa luôn ngủ đứng hay dơi ngủ ở tư thế treo ngược, cơ thể hồng hạc tiến hóa tự "cố định" chân để giúp tiết kiệm được năng lượng.

Để lý giải cho chuyện này, các chuyên gia cho rằng điểm mấu chốt nằm ở bộ khớp chân đặc biệt của hồng hạc. Khi chân đặt đúng vị trí, các khớp chân gần như tự động cố định, bất kể ống chân dịch chuyển như thế nào. Ngay cả trên xác của hồng hạc, cơ chế này vẫn hoạt động như vậy.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động cơ bắp khi đứng bằng một chân của loài hồng hạc thực sự thấp hơn so với khi đứng bằng hai chân", các chuyên gia nói.

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã khám phá ra sự thật rằng chân của loài hồng hạc có kết cấu hỗ trợ tư thế một cách chuẩn xác và phù hợp để chân chúng được giữ thẳng cố định một cách yên vị. Hay nói cách khác, chúng gần như không tiêu tốn sức mạnh cơ bắp nhiều khi duy trì dáng đứng đó.

Điều này nghe có vẻ hơi khó hiểu vì thông thường, con người chúng ta sẽ nghĩ rằng đứng trên 1 chân thực sự khó và tốn sức hơn nhiều so với 2 chân. Nhưng thiên nhiên là vậy, luôn chứa đầy những điều bất ngờ và không thể đoán trước được.

Minh Anh (Tổng hợp)