Sự kiện

Chuyện ít biết về những “chiến binh” blouse trắng trong đại dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Đội ngũ y tế tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng, các cán bộ y tế của Trung tâm CDC Hà Tĩnh đang ngày đêm căng mình trong cuộc chiến chống bệnh dịch Covid-19. Trước thềm kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi xin được gọi các anh chị là những "chiến binh" blouse trắng.

Điều mà cơ quan chức năng, dư luận cả nước đánh giá cao nhất giữa đại dịch Covid-19 đó chính là hệ thống CDC - Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các tỉnh, thành khởi động hiệu quả.

Tại Hà Tĩnh - địa phương có nhiều dự án đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang hoạt động với nhiều công nhân, lao động là người nước ngoài, đặc biệt có khu công nghiệp Fomosa, cảng Vũng Áng - Sơn Dương, Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Chính bởi vậy, việc phòng chống dịch, không để virus xâm nhập được ngành tập trung quyết liệt ngay từ đầu.

Cán bộ đội cơ động phun thuốc khử trùng tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Ngay từ những ngày đầu, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC) đã nhanh chóng thành lập 3 đội cơ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Một đội được bố trí tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) và cảng Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) nơi có số lượng đông người nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, nhất là người Trung Quốc, 1 đội tại 6 huyện phía Nam và 1 đội tại 7 huyện phía Bắc tỉnh này. Đội cơ động đảm nhiệm trực 24/24, giám sát, phát hiện, cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ từ rất sớm và lấy mẫu xét nghiệm gửi ra viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Tổ trưởng tổ kiểm dịch tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo chia sẻ, hàng ngày cửa khẩu đón khoảng 300 xe và hơn 1.000 người qua lại, các cán bộ y tế ở đây đồng thời phải đảm nhiệm rất nhiều công việc từ phun thuốc, làm thủ tục, đo thân nhiệt đến phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu phân luồng xe và người để kiểm tra y tế. Trong khi nhân lực không nhiều nên không đủ người để chia ca, anh em chỉ kịp thay ca nhau vào giờ đi ăn; mỗi ngày làm từ 7h sáng đến 22h đêm.

Cán bộ y tế đo thân nhiệt các thủy thủ cập cảng Vũng Áng.

Cũng như đội ngũ y tế tại cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, ở cảng Vũng Áng, các cán bộ y tế của Trung tâm CDC cũng đang ngày đêm căng mình trong cuộc chiến chống bệnh dịch Covid-19.

Bác sĩ Phạm Quang Trung, Kiểm dịch viên y tế cảng Vũng Áng - Sơn Dương cho biết, đội ngũ y bác sĩ ở đây phải luôn túc trực 24/24 giờ, thường xuyên phối hợp với Ban quản lý cảng để nắm bắt tất cả lịch trình tàu ra, vào cảng để kiểm tra thân nhiệt hành khách.

Tàu vào cảng giờ giấc không ổn định, bất kể ngày hay đêm, đội ngũ kiểm dịch viên y tế là lực lượng đầu tiên phải có mặt để kiểm tra y tế, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao, thế nhưng ai cũng phải lao vào.

Đặc trưng lớn nhất trong hoạt động phòng, chống dịch là công tác lưu động và hoạt động chống dịch tại cộng đồng, khi nhận được thông tin về một bệnh nhân có dấu hiệu sốt và có yếu tố dịch tễ liên quan vùng dịch, dù ở bất cứ đâu, thời điểm nào, các cán bộ y tế đều lập tức phải đến tận nơi để tìm rõ căn nguyên.

Họ là những người đầu tiên và trực tiếp có mặt tại nơi phát hiện dịch bệnh, vừa điều tra ca nghi nhiễm bệnh vừa điều tra những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh… Từ đó, tham mưu và triển khai ngay những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Công việc của họ không chỉ mất nhiều thời gian mà còn gian khổ và nguy hiểm. Vượt qua những nỗi lo lắng, nguy cơ lây nhiễm, những y bác sĩ làm dự phòng vẫn lăn xả vào công việc, ngày đêm cùng các thầy thuốc chăm lo cho sức khỏe người bệnh, cũng như tìm mọi biện pháp để phòng, chống dịch được hiệu quả nhất.

Trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các cán bộ y tế vẫn phải lao vào.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm CDC Hà Tĩnh, khó khăn nhất trong công tác chống dịch bệnh Covid-19 đó chính là công tác điều tra dịch tễ. Công việc này đòi hỏi sự chính xác và mất rất nhiều thời gian. Các cán bộ CDC phải phối hợp với các cửa khẩu tỉnh bạn, sân bay và bộ Y tế để xác định được những nơi mà bệnh nhân đi qua, có đi từ vùng dịch về hay không...? 

“Các cán bộ y tế là người tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng vì nhiệm vụ, vì sức khỏe cộng đồng nên anh em ai cũng phải lao vào. Từ ngày 24 Tết đến nay, đã có 20 người được cách ly, kết quả xét nghiệm âm tính. Đến nay, nguồn bệnh chưa xâm nhập vào địa bàn Hà Tĩnh đó là thành công, niềm vui lớn của đội ngũ, cán bộ y tế trong cuộc chiến đấu chống lại Covid-19”, Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm bày tỏ.

Cuộc chiến đấu chống lại Covid-19 sẽ còn “trường kỳ” khi hiện nay, số lượng lao động đi từ Hàn Quốc về Hà Tĩnh gia tăng. Bước đầu, tỉnh này đã có 9 người đi từ Hàn Quốc về được cách ly, theo dõi trong vòng 14 ngày.

Nguy cơ nguồn virus xâm nhập càng cao đồng nghĩa với khối lượng công việc của các cán bộ y tế sẽ “căng” hơn nữa. Trước thềm kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi xin được gọi các anh là những "chiến binh" blouse trắng trong đại dịch Covid-19.