Giải trí

Chuyện giờ mới biết của nghề quản lý nghệ sĩ: Phía sau ánh hào quang là những giọt mồ hôi

Nếu ai nghĩ rằng nghề quản lý nghệ sĩ là giàu, luôn long lanh và lung linh thì đã nhầm. Không nhiều người sống khoẻ với cái nghề vẫn được mặc định là sang chảnh ấy. Đa số quản lý nghệ sĩ không thể sống bằng lương, họ thường phải làm thêm những công việc khác và gắn bó với nghề vì đam mê.

Nghệ sĩ được mặc định gắn liền với sự hào nhoáng, rực rỡ và tung hô. Để luôn hoàn hảo là điều không thể, bởi nghệ sĩ vốn dĩ cũng là người bình thường giống như bất cứ ai, cũng hỉ nộ ái ố. Nhưng, khi đã mang danh người nổi tiếng, họ phải luôn nỗ lực để hoàn hảo trong mắt công chúng và phía sau những khoảnh khắc hoàn hảo trên sân khấu là nỗi nhọc nhằn của cả một ê-kíp. Những con người thầm lặng ấy phải làm việc bất kể ngày đêm, luôn trong tâm thế sẵn sàng để hỗ trợ nghệ sĩ mình quản lý.

Để hiểu rõ hơn về những con người phía sau ánh hào quang của người nổi tiếng, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với một trong những quản lý nghệ sĩ có tiếng trong giới, anh Hà Thanh Phúc. Chàng trai có gương mặt hiền và vóc dáng thư sinh này hiện đang là quản lý của khá nhiều nghệ sĩ, trong đó có ca sĩ Lệ Quyên.

Nghệ sĩ là số 1, quản lý là số 0

Lướt qua một vòng thấy ai làm nghề quản lý nghệ sĩ cũng đều long lanh, lung linh. Có vẻ như, nghề này hái ra tiền?

Chị nhầm rồi, người quản lý ít khi lung linh lắm. Công việc của họ là đứng đằng sau và làm những gì tốt nhất cho nghệ sĩ của mình. Nên nhớ một điều, nghệ sĩ là số 1, còn mình sẽ chỉ là số 0. Nghệ sĩ mình có sai, có gì không đúng thì tất cả mọi thứ người quản lý phải đứng ra gánh và chịu trách nhiệm hết để luôn giữ những gì tốt đẹp cho nghệ sĩ. Quản lý nghệ sĩ cũng tuỳ trường hợp mà có hái ra tiền không. Ví dụ như bạn may mắn quản lý được “một con gà đẻ trứng vàng”, tài năng, thông minh, cùng với sự nhanh nhạy của bạn thì bạn cũng sẽ có được sự thu nhập khá ổn định. Nhưng, nếu không may nghệ sĩ của bạn lại lận đận không có show thì phải hoạn nạn cùng chia. Mà 10 người trong showbiz thì chỉ được vài trường hợp kiếm tiền giỏi thôi còn lại cũng rất bấp bênh. Với cá nhân Phúc, thu nhập chính thực ra không phải từ nghề này mà từ việc kinh doanh. Thu nhập từ công việc này rất ít, Phúc làm vì thích và yêu quý người nghệ sĩ như chính người thân của mình vậy thôi. Mỗi một nghệ sĩ sẽ có mức thoả thuận riêng với quản lý, trợ lý và con số này không ai tiết lộ ra cụ thể nó là bao nhiêu đâu.

Hà Thanh Phúc đang quản lý khá nhiều nghệ sĩ, trong đó có ca sĩ Lệ Quyên.

Quản lý nghệ sĩ là công việc thế nào thưa anh? Những công việc cụ thể là gì?

Quản lý nghệ sĩ là một công việc không đơn giản. Phúc đã từng làm quản lý cho nhiều nghệ sĩ thuộc những dòng nhạc khác nhau và tuỳ từng người mình lại có định hướng riêng. Bên cạnh đó, mình cũng phải lắng nghe từ phía ca sĩ xem họ cần gì ở mình, định hướng nghề nghiệp của họ ra sao để hai bên có tiếng nói chung để khi làm việc có thể thấy thoải mái nhất. Quản lý nghệ sĩ cũng có nhiều mảng như: Nhận show, thương thảo hợp đồng quảng cáo, hợp đồng bản quyền âm nhạc, quản lý truyền thông,... Một nghệ sĩ cũng có thể có nhiều quản lý phụ trách những mảng khác nhau, việc ai nấy làm. Đôi khi có chút lẫn lộn, nhập nhằng giữa nhiều công việc trợ lý - quản lý - quản lý truyền thông vì ở Việt Nam mình thường các nghệ sĩ hoạt động đơn lẻ. Hiện tại, mình đang là quản lý và quản lý truyền thông cho một số nghệ sĩ. Tuy nhiên, riêng với chị Lệ Quyên lại là trường hợp đặc biệt nhất, mình gần như là một người em trai đang lo lắng cho chị gái là nhiều hơn.

Nghề quản lý nghệ sĩ, anh thấy khó khăn nhất điều gì và tại sao?

Khó khăn nhất là phải làm sao dung hoà được cá tính mạnh của người nghệ sĩ với định hướng công việc của mình. Đôi khi những điều mình nghĩ là đúng và tốt cho nghệ sĩ, nhưng không phải lúc nào người nghệ sĩ cũng đồng ý thực hiện vì nhiều lý do. Tuy nhiên, cuối cùng thì ý kiến của nghệ sĩ vẫn phải là nhất vì nếu không thoải mái thì khó tiến hành. Nói chung khi hợp tính, biết lắng nghe thì mọi việc cũng không quá khó khăn.

Để làm tốt nghề này cần kỹ năng và kiến thức ra sao?

Tôi nghĩ, một người quản lý giỏi cần đòi hỏi nhiều kỹ năng hoặc ít nhất là người có mối quan hệ với nhiều người giỏi thuộc nhiều lĩnh vực khác để trợ giúp cho nghệ sĩ của mình đạt được kết quả mong muốn. Ví dụ như có mối quan hệ tốt với nhà báo, nhà thiết kế, stylist, nhiếp ảnh, các công ty Agency hay các nhạc sĩ, đạo diễn thực hiện MV,...

Hiện nay, đa số quản lý ca sĩ đều từng làm phóng viên mảng văn hoá văn nghệ vì đó là một nền tảng rất cơ bản để có thể làm được công việc này. Tuy nhiên, như thế thôi cũng chưa đủ, tôi nghĩ nếu người quản lý từng làm việc trong ngành quảng cáo cho nhãn hàng thì sẽ toàn diện hơn. Lý thuyết là vậy nhưng hiện nay chủ yếu là nghề dạy nghề, làm riết rồi quen, người đi trước chỉ cho người đi sau và đôi khi, chính nghệ sĩ lại là người chỉ dạy ngược lại quản lý (trong trường hợp người nghệ sĩ vào nghề lâu và có nhiều kinh nghiệm lăn lộn trong showbiz).

Đứng sau ánh hào quang của người nổi tiếng chắc lắm nỗi nhọc nhằn?        

Phúc thấy nghề nào cũng có nhọc nhằn riêng chứ không riêng nghề này. Đi làm thì mình phải chịu thôi.

Thương thảo cát-xê cũng là việc cân não. Quy trình để có được mức cát-xê là thế nào?

Mỗi nghệ sĩ đều có mức cát-xê riêng tuỳ theo mức độ ảnh hưởng của họ. Quy trình cũng đơn giản thôi, sau khi biết được công việc cụ thể là gì thì mình sẽ dựa vào đó mà báo giá. Nếu hai bên đồng ý với nhau thì làm hợp đồng.

Hà Thanh Phúc cho biết, mối quan hệ giữa anh và Lệ Quyên là còn hơn cả công việc, nó là tình thân.

Chọn scandal đồng nghĩa với sự mất mát

Một trong những vấn đề đau đầu ở người nổi tiếng chính là khủng hoảng truyền thông. Đây là công việc không hề dễ dàng phải không anh? Khi gặp khủng hoảng này, anh phải làm gì để bảo vệ nghệ sĩ của mình?

Theo mình nghĩ khi xảy ra vấn đề, mình cần bình tĩnh nhìn nhận ra được bản chất của vấn đề. Sai ở đâu thì sửa tới đó, dũng cảm nhận lỗi (nếu như mình sai). Khán giả Việt vốn khắt khe nhưng cũng rất bao dung cho những ai chịu nhìn ra khiếm khuyết và tích cực thay đổi trở nên tốt đẹp hơn. Mình nghĩ không nên tránh né hoặc lòng vòng, điều này sẽ gây ra khủng hoảng diện rộng.

Giữ hình ảnh đẹp cho nghệ sĩ cũng là công việc đòi hỏi nhiều chất xám. Vốn dĩ nghệ sĩ cũng chỉ là những người bình thường, có mặt mạnh mặt yếu, điểm tốt điểm xấu. Nhưng, với công chúng, nghệ sĩ phải hoàn hảo mọi lúc mọi nơi. Anh hãy chia sẻ đôi điều về chiến lược xây dựng và bảo vệ hình ảnh cho nghệ sĩ của mình?

Luôn nói không với scandal. Việc thực hiện các chiến dịch truyền thông hay hình ảnh cần có sự thống nhất giữa nghệ sĩ và quản lý truyền thông để tránh lệch lạc thông tin.

Rất nhiều quản lý dùng “PR bẩn” như để nghệ sĩ phát ngôn gây sốc, cởi đồ,… Là người trong nghề, anh đánh giá sao về kiểu “PR bẩn” này?

Mỗi người sẽ có cách PR khác nhau riêng với những nghệ sĩ mình đang làm việc, mình quan điểm cần phải giữ hình ảnh sạch vì vốn dĩ các nhãn hàng không bao giờ chuộng scandal. Khi bạn chọn scandal đồng nghĩa là bạn bị loại trong mắt các nhãn hàng.

Quản lý nghệ sĩ không hề nhàn hạ như nhiều người vẫn tưởng. Hà Thanh Phúc cho biết, đa số người làm nghề này không thể tự nuôi được mình. 

Theo anh, mối quan hệ giữa quản lý và nghệ sĩ nên là gì, công việc hay tình thân?

Theo mình là cả hai. Vì phải thương yêu như người nhà thì mới làm được, vì suy cho cùng nghệ sĩ cũng chỉ là con người, có xấu có tốt có lúc vui lúc buồn. Mình xem nghệ sĩ như người thân của mình thì mới có thể làm việc hết tâm hết sức được.

Rất nhiều quản lý và nghệ sĩ trở mặt với nhau sau khi đứt gánh. Những lùm xùm ấy khiến mối quan hệ này trở nên xấu xí trong mặt nhiều người. Bản thân anh thấy sao?

Quan điểm của mình là, một khi đã không còn làm việc với nhau thì vẫn giữ cho nhau những điều tốt đẹp, tránh nói xấu nhau trên mặt báo. Vì cá nhân mình nghĩ, khi đã làm việc dĩ nhiên sẽ có những chuyện vui và không vui, nhưng khi không còn ở cạnh nhau nữa thì hãy giữ lại chút trân trọng cho nhau.         

Xin trân trọng cảm ơn anh!