Sự kiện

Chuyên gia y tế nêu lý do Hà Nội nên dừng xét nghiệm nhanh Covid-19

Theo bác sĩ Ngô Việt Hùng (chuyên gia độc lập về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng), việc thực hiện xét nghiệm nhanh (tets nhanh) Covid-19 mà Hà Nội và một số địa phương đang làm không tìm thấy virus SARS-CoV-2.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng nên dừng tets nhanh vì không tìm thấy virus SARS-CoV-2, vậy theo bác sĩ ở thời điểm này có nên?

Bác sĩ Hùng nêu lý do nên dừng xét nghiệm nhanh Covid-19.

Hiện nay, có hai loại test để “tìm” người nhiễm Covid-19. Một loại là test phát hiện kháng nguyên (test kháng nguyên) có nghĩa là phát hiện bản thân virus đó hiện đang có mặt trong cơ thể người bị nhiễm. Một loại là test phát hiện kháng thể (test kháng thể), có nghĩa là phát hiện những người đã từng bị nhiễm virus trong quá khứ mà hiện nay virus không còn trong cơ thể nữa.

Test kháng thể có kết quả dương tính chứng tỏ người đó đã từng bị nhiễm virus trong quá khứ. Thông thường kháng thể sẽ xuất hiện sau khi bị nhiễm từ 1-2 tuần. Như vậy, test nhanh tìm kháng thể này không có giá trị trong chẩn đoán nhiễm virus cấp có triệu chứng hoặc không có triệu chứng.  

Tuy nhiên việc sử dụng test kháng thể nhanh cũng có thể hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng trong những ca xuất hiện triệu chứng sau nhiễm Covid-19 mà các test kháng nguyên lúc này đã trở nên âm tính (ví dụ: Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em do Covid-19).

Một test kháng thể dương tính sẽ rất có ích cho việc giám sát dịch tễ học và đề xuất các giải pháp cho người bị nhiễm đã khỏi hoặc phơi nhiễm với virus như liệu họ có thể đi làm, tham gia các hoạt động khác, ngừng cách ly không... Tất cả các hướng dẫn hiện tại trên thế giới và Việt Nam đều không khuyên dùng test kháng thể trong chẩn đoán nhiễm virus cấp tính và sàng lọc ở những đối tượng nghi ngờ hoặc có nguy cơ cao nữa.

Một test kháng thể nhanh âm tính không cho phép kết luận người được xét nghiệm hiện không bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Có hai loại test để “tìm” người nhiễm Covid-19 (Ảnh: Phạm Tùng).

Tại buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo sở y tế 63 tỉnh, thành phố, sáng 2/8, quyền Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Trung ương không cấp kit test nhanh (xét nghiệm máu tìm kháng thể), khuyến khích làm xét nghiệm rRT-PCR. Ưu điểm của việc làm xét nghiệm rRT-PCR là gì thưa bác sĩ?

Nên làm xét nghiệm rRT-PCR, vì nó là tiêu chí chuẩn trong chẩn đoán bệnh do virus SARS-CoV-2. Test này được gọi là test kháng nguyên để phát hiện sự có mặt của virus trong cơ thể người bị nhiễm. Với xét nghiệm này, chúng ta có thể chẩn đoán được việc có hay không có virus sau vài giờ, độ đặc hiệu của rRT-PCR là trên 90%. Các test này hiện nay đang được sử dụng phổ biến trên thế giới. Test không có phản ứng chéo với các virus khác thậm chí cả với các Corona virus khác. 

Như vậy, theo ông test nhanh Covid-19 ở thời điểm này là không có giá trị?

Tất cả các test đều có giá trị, cơ bản là dùng vào mục tiêu nào. Để chẩn đoán nhiễm virus cấp và sàng lọc nhiễm virus ở những người phơi nhiễm hoặc có nguy cơ cao (ví dụ: Sống tại nơi có bệnh nhân) chúng ta dùng test kháng nguyên. Để giám sát dịch tễ học hoặc để hỗ trợ chẩn đoán trong từng trưòng hợp cụ thể chúng ta dùng test kháng thể. 

Theo bác sĩ Hùng, nên làm xét nghiệm rRT-PCR, vì nó là tiêu chí chuẩn trong chẩn đoán bệnh do virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Phạm Tùng).

Là người làm trong lĩnh vực truyền nhiễm lâu năm, vậy cá nhân ông nhận định thế nào về tình hình dịch trong giai đoạn hiện nay?

Với những diễn biến dịch như ngày hôm nay tại nước ta cũng như trên thế giới, chúng ta có thể phải sống chung với đại dịch Covid-19. Cũng giống như chúng ta đang sống với đại dịch HIV, dịch hạch, tả, dịch cúm mùa...

Chúng ta sẽ phải thích nghi dần với tất cả những điều kiện đó. Bởi, chúng ta vẫn phải lao động, học tập, ăn uống và nghỉ ngơi. Chúng ta đặt hy vọng vào các nhà nghiên cứu đang nỗ lực để sớm tìm ra được vắc-xin, thuốc điều trị đặc hiệu.

Hiện nay, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách nước tavẫn đang cùng sự đồng thuận của toàn dân quyết liệt kiểm soát dịch không để dịch lan tràn. Đồng thời, chúng ta, những người dân cần phải tự giữ mình và gìn giữ cho cộng đồng với việc thực hiện tốt khuyến cáo của bộ Y tế, của ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong từng giai đoạn.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Trước đó, trao đổi với báo chí GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng:

“Một số tỉnh, thành đang sử dụng test nhanh (tìm kháng thể) để sàng lọc người từ Đà Nẵng về là không đúng và phản tác dụng.

Trước hết, mục đích xét nghiệm cho những người từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc ca bệnh là phát hiện virus SARS-CoV-2. Vì vậy, việc sử dụng xét nghiệm nhanh không đúng. Khi chỉ định xét nghiệm sớm, kết quả sẽ luôn âm tính. Bởi kháng thể xuất hiện muộn, thường sau 7-15 ngày kể từ khi bị nhiễm. Xét nghiệm nhanh sớm gây lãng phí. Khi kết quả âm tính, chúng ta không thể biết người đó có còn virus trong cơ thể hay không. Để có câu trả lời, họ cần được xét nghiệm lại bằng kỹ thuật rRT-PCR.Trong trường hợp kết quả dương tính, tình trạng “vồ hụt” sẽ xảy ra.

Lúc này, người đó chưa chắc còn virus trong cơ thể. Thậm chí, khi người này từng nhiễm virus SARS-CoV-2, hậu quả là virus đã lây lan. Nguy hiểm nhất, người nhận được kết quả âm tính qua test nhanh sẽ cho rằng mình không bị nhiễm virus. Họ có thể chủ quan, dẫn đến nguy cơ nhiễm virus hoặc lây lan virus cho người khác.Trong tình hình hiện nay, để phát hiện virus SARS-CoV-2, chúng ta không nên dùng xét nghiệm nhanh. Nếu dùng sẽ bị lạc đường. Vừa qua, tôi thấy một số động thái đáng mừng khi nhiều nhà khoa học lên tiếng về điều này.

Đặc biệt, bộ Y tế quyết định không cấp thêm kit test nhanh cho bất kỳ tỉnh nào. Lãnh đạo Bộ Y tế đã hiểu rõ phương pháp này không có ý nghĩa trong sàng lọc người đang mang virus từ vùng dịch trở về. Tôi mong các tỉnh, thành thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của bộ Y tế”.