Cộng đồng mạng

Chuyên gia tiết lộ nguyên nhân khiến nhiều người trẻ mang tính mạng để giải quyết mọi việc

Chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng, tuổi dậy khả năng làm chủ cảm xúc là kém, hơn nữa, khoảng cách sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng xa nên trẻ dễ nghĩ tiêu cực và kết thúc cuộc đời một cách dễ dàng.

Thời gian gần đây, liên tục những câu chuyện người trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, dại dột nên đã tìm đến cái chết, mang tính mạng của mình để giải quyết mọi việc. Trường hợp bé gái 13 tuổi nhảy lầu tự tử khi bị mẹ xem điện thoại chính là hồi chuông cảnh báo. Trước tình trạng này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM).) để lắng nghe những chia sẻ đầy bổ ích.

TS. có thể phân tích vì sao bé gái 13 tuổi khi mẹ xem trộm điện thoại lại nhảy lầu?

Trong trường hợp này bố mẹ sai, bố mẹ không có quyền xem trộm điện thoại, xem trộm nhật ký của con vì đây là hành vi xâm phạm quyền riềng tư của con của con cái.

Có nhiều đứa trẻ khi bố mẹ xem trộm nhật ký hay điện thoại nó không quá tổn thương. Nhưng những đứa trẻ mong manh, thiếu tình yêu thương từ bé và không xem trọng bản thân sẽ tổn thương hơn. Những đứa trẻ tự ti mặc cảm nó sẽ cảm thấy không được tôn trọng nên muốn giải thoát, muốn kết thúc mọi chuyện bằng nhiều cách.

Đây là câu chuyện buồn, vì thế bố mẹ nên nhớ, cần khéo léo trong cách nói năng, cư xử…nếu có gì nghi ngờ con thì bố mẹ cần tìm hiểu qua nhiều kênh, hỏi thăm cô giáo, bạn bè con rồi nói chuyện với con, đối thoại cùng con. Tạo cho con cơ hội gần gũi, nấu cho con món ăn ngon, đưa con đi chơi, những cơ hội gần gũi đó thì bố mẹ mới có cơ hội hỏi thăm. Hỏi tâm tình trong không gian gần gũi như vậy thì đứa trẻ rất dễ cởi mở.

Bé 13 tuổi nhảy lầu tự tử khi mẹ lén xem điện thoại. 

Vậy nguyên nhân từ đâu mà giới trẻ hiện nay khi bị bố mẹ la mắng, bạn bè thầy cô khiển trách lại dễ có hành động gây hại cho bản thân?

Có hai nguyên nhân mà chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo.

Thứ nhất, trẻ em ở giai đoạn tuổi dạy thì độ nhạy cảm cao hơn giai đoạn khác, trong giai đoạn này nó hình thành bản chất các nhân. Các em xác định các em là ai trong mối quan hệ với người khác nên một chút xúc phạm bất kỳ từ ánh mắt, thái độ, hành động của bất kỳ ai thì các em cũng phóng đại trên một lăng kính lớn.

Với người lớn thì chuyện đó chẳng có gì, nhưng với tuổi dậy thì nó không bình thường và nó nghĩ mọi việc tồi tệ. Giống như bị ai đó coi thường, phủ nhận mọi chuyện.

Tuổi dậy thì là bãi mìn nổ chậm, nó nhiều hành vi hung hăng. Khả năng làm chủ cảm xúc là kém. Đây là đặc điểm làm đứa bé khó vượt qua được đôi khi chỉ là những lời nhắc nhở rất thiện chí từ cha mẹ, thầy cô nhưng không hiểu theo kiểu thiện chí mà sẽ nghĩ theo hướng tiêu cực.

Lý do thứ 2 thuộc về sự mong manh dễ vỡ trong tâm hồn con người thời hiện đại. Không chỉ của tuổi teen mà còn lứa tuổi khác. Ngày xưa tỷ lệ trầm cảm ít hơn bây giờ rất nhiều. Xã hội ngày xưa dễ chấp nhận và lắng nghe những lời chê bai, tiêu cực từ người khác.

Nhưng con người thời hiện đại mong manh, dễ vỡ, thiếu đi sự ấm áp tình yêu giữa con người với con người. Khoảng cách sự gần gũi giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng xa.

Vì điều này cộng với tâm lý tuổi dậy thì thì trẻ dễ nghĩ tiêu cực và kết thúc cuộc đời nó một cách dễ dàng. Trẻ thời nay không trọng cuộc sống, trọng thân thể của chính bản thân nó nhiều lắm.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy. (Ảnh: Luu Ly Tran)

Nhiều người cho rằng, giới trẻ đang là nạn nhân của mạng xã hội, TS. nghĩ sao về việc này?

Có ý đúng. Là vì sao? Thế giới mạng mọi thứ lướt đi quá nhanh, người ta không có những phút giây cho riêng mình. Không có những phút giây tĩnh lặng để quay về với chính mình. Cho nên chúng ta dễ bị cuốn theo trào lưu, cuốn theo những cảm xúc của người khác, nên chúng ta mong manh hơn. Đây cũng là một trong những lý do mà con người thời hiện đại này có nhiều nguy cơ mắc những bệnh tâm lý hơn, tỷ lệ ngày càng nhiều.

Cha mẹ nên làm thế nào để trẻ đối mặt, vượt qua những khó khăn?

Cha mẹ dạy con quý trọng bản thân. Đứa trẻ phải cảm nhận được sự yêu thương của bố mẹ ngay từ khi con bé. Ví dụ một cái ôm, cái nắm tay, cái nhìn dịu dàng mà trong tâm lý học gọi đó là sự gắn bó an toàn giữa cha mẹ và con.

Đứa trẻ có được sự gắn bó an toàn này mới yêu cuộc sống, yêu chính con người nó, yêu cơ thể nó.

Người ta dễ dàng kết thúc cuộc sống vì họ không yêu chính mình, họ nghĩ chết là giải thoát chứ không có gì phải luyến tiếc.

Chính bố mẹ yêu thương con mình, bố mẹ cho con cảm nhận được sự yêu thương con thì đứa trẻ mới thật sự quý trọng và yêu thương chính nó. Khi ấy trẻ sẽ biết dừng trước những suy nghĩ tiêu cực xảy ra.

Cảm ơn TS. về cuộc trò chuyện!

Mai Thu