Quân sự

Chuyên gia phân tích “sự thật” về kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Syria

Thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút quân khỏi miền Bắc Syria nhắc nhở người Kurd về lời than vãn trước đó rằng họ “không có bạn bè mà chỉ có núi rừng”, nhưng điều đó có thể không đúng, cây viết Cemal Ozkahraman nhận định trong một bài viết trên tờ Jerusalem Post.

Quyết định của ông Trump khiến cộng đồng quốc tế sốc vì nó có khả năng khiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) quay trở lại và khiến Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) có cơ hội tàn sát người Kurd thuộc lực lượng các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) vốn bị Ankara coi là tổ chức khủng bố và mối đe dọa với an ninh quốc gia. YPG là lực lượng đã dũng cảm chiến đấu chống lại IS và tạo ra một hệ thống thế tục dân chủ triệt để ở vùng Rojava của Syria, theo Ozkahraman, một nhà nghiên cứu trao đổi tại Đại học Cambridge.

Sự hiện diện của Mỹ tại Syria.

“Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ không mong đợi một động thái như vậy từ Mỹ, và tất cả đều rất hoan nghênh, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ với quân đội được trang bị súng máy hạng nặng đang chờ đợi thời điểm thích hợp để chiếm Rojava. Ankara trước đó đã chiếm được thị trấn của người Kurd ở Afrin. Reuters trước đó cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố rằng phiến quân người Kurd sẽ bị chôn vùi khi tới thời điểm thích hợp”, ông Ozkahraman viết hôm 17/2.

Ông Salih Muslim Muhammad, đồng chủ tịch PYD phụ trách quan hệ đối ngoại, cho biết việc rút quân của Mỹ là một vấn đề đáng quan tâm, nhưng ông vẫn tỏ ra khá bình tĩnh. “Chúng tôi dựa vào sức mạnh và quốc phòng của chính mình. Lợi ích của chúng tôi trùng khớp, chúng tôi hoạt động cùng nhau, nhưng chúng tôi chưa bao giờ dựa dẫm vào họ”, ông nói..

Tất nhiên, người Kurd ý thức được sự phản bội của phương Tây trước đó, đặc biệt là năm 1999, khi Abdullah Ocalan, lãnh đạo đảng Công nhân người Kurd PKK, được trao cho Thổ Nhĩ Kỳ với sự giúp đỡ của các cơ quan tình báo Mỹ tại Nairobi. Người Kurd Syria theo hệ tư tưởng của Ocalan, và sự thành công về mặt chính trị của họ được xây dựng dựa trên lý thuyết chính trị của ông.

“Tuy nhiên, những lợi ích khu vực của người Kurd và Mỹ hiện đang trùng lắp nhau. Trong khi người Kurd tìm kiếm sự bảo vệ lâu dài thì Mỹ cần Rojava và người Kurd vì hai lý do chính: ngăn chặn sự bành trướng của người Shia Iran trong khu vực và đảm bảo vị thế cho Israel ở Trung Đông”.

Iran đang đấu tranh để bảo vệ đầu mối chính trị trong khu vực và củng cố vị thế địa chính trị của mình, tìm cách thiết lập một “lưỡi liềm” từ Iran xuống Syria tới bờ biển Địa Trung Hải. “Sự bành trướng đó của người Shia Iran sẽ là mối đe dọa lớn với lợi ích của Mỹ trong khu vực vào những năm tới”, Ozkahraman nhận định.

Lực lượng Kurd tại Syria.

Người Kurd có thể đóng vai trò quan trọng trong việc “tắt” ảnh hưởng của Iran ở Iraq và Syria. “Răn đe duy nhất đối với Iran là người Kurd ở Rojava”, Sherkoh Abbas, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Kurd tại Syria nói. “Cách duy nhất để phá vỡ lưỡi liềm Shia là người Kurd”.

Tiềm năng mở rộng ảnh hưởng của Iran, sự mơ hồ của chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và vai trò của Nga, hiện có mối quan hệ với cả Tehran và Ankara – tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy mối quan ngại của Mỹ về an ninh quốc gia của đồng minh Israel.

Israel biết rằng việc Mỹ rút quân khỏi Rojava sẽ để lại khoảng trống quyền lực sớm được lấp đầy bởi Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia phản đối Israel, theo Ozkahraman. Như Abbas đã chỉ ra, việc từ bỏ vùng đệm người Kurd tạo thành mối đe dọa đáng kể đối với Israel, Bắc Phi, châu Âu và Mỹ.

Nếu Mỹ rút khỏi miền Bắc Syria, điều đó sẽ mâu thuẫn với bất kỳ mô hình địa chiến lược nào từng được biết đến, Ozkahraman nói. Ông cho rằng điều đó sẽ phá hoại thành công của Mỹ trong việc chống lại IS cũng như quan hệ đối tác của họ với người Kurd và khả năng giám sát và kiềm chế sự bành trướng của Iran.

“Vậy liệu Mỹ có rút lính khỏi Rojava? Câu trả lời ngắn gọn là “không”. Từ bỏ Rojava và cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đánh bật người Kurd khỏi khu vực sẽ hoàn toàn đối lập với lợi ích địa chính trị và địa an ninh của Mỹ cùng phương Tây. Người Kurd có thể tin rằng họ không có bạn bè nào ngoài núi rừng, nhưng họ cũng biết ai cần phải hành động như một người bạn trên đất của chính mình”, ông Ozkahraman kết luận.

*Rojava là một vùng tự trị trên thực tế bao gồm ba tổng tự quản nằm ở miền Bắc Syria, gọi là tổng Afrin, tổng Jazira và tổng Kobani.

Xem thêm: Điều Mỹ không muốn quân Chính phủ làm ở Đông Bắc Syria