Tiêu điểm thế giới

Chuyên gia nước ngoài phân tích dấu ấn của Nga trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều

Nga được coi là quốc gia hiểu tính toán của Triều Tiên và qua đó, họ sẽ đưa ra những "lời khuyên" có ích cho Mỹ.

Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trang phân tích bình luận quốc tế Quartz nhận định, khi Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam, các quan chức Nga không phải là thành phần tham gia, nhưng lợi ích của Nga vẫn được thể hiện tại đây.

Trong tuyên bố của mình hôm 25/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Mỹ đang nhận tư vấn từ Nga trước hội nghị thượng đỉnh.

Ông Lavrov được cho là đã khuyên Mỹ nên cung cấp bảo đảm an ninh cho nhà lãnh đạo Triều Tiên để khuyến khích ông phi hạt nhân hóa và mở đường cho chuyến thăm tới Việt Nam trong tuần này...

Trên thực tế, việc Nga đưa ra lời khuyên cho Mỹ vì nước này có nhiều lợi ích có thể đạt được từ kết quả thành công của cuộc họp Mỹ-Triều lần 2.

Theo Quartz, Moscow mong muốn trở thành một đối thủ nặng ký về ngoại giao ở Đông Á và tăng cường quan hệ kinh tế với nước láng giềng Triều Tiên. Mục tiêu chung của Tổng thống Putin trong khu vực là giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, đồng thời tăng cường hình ảnh của mình trong vai trò một nước lớn.

Quan hệ Nga-Triều Tiên

Theo các nhà phân tích, lời khuyên của Ngoại trưởng Lavrov về cách để Mỹ có thể nhận được sự đồng ý từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là khá hợp lý.

“Người Nga hiểu về tính toán của Triều Tiên hơn rất nhiều những quốc gia khác”, Ken Gause từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA, nêu quan điểm. Điều này xuất phát từ việc Moscow có quan hệ sâu sắc với Triều Tiên trong quá khứ.

Liên Xô đã giúp đỡ rất nhiều cho Triều Tiên trong những năm 1950 và hỗ trợ Bình Nhưỡng xây dựng năng lực hạt nhân ban đầu để từng bước phát triển thành chương trình tên lửa hiện tại.

Hai quốc gia đã ký hiệp ước phòng thủ vào năm 1961 và một hiệp ước khác vào năm 2000 nhấn mạnh vào việc thúc đẩy quan hệ thương mại.

Mỹ có thể cung cấp đảm bảo an ninh cho Triều Tiên để tiến tới phi hạt nhân hóa.

Lời khuyên cần bảo đảm an ninh mà Ngoại trưởng Lavrov đang khuyến nghị với Mỹ bao gồm cam kết không can thiệp, đe dọa, gây bất ổn đối với an ninh quốc gia của Triều Tiên trong tương lai. Đồng thời nới lỏng các lệnh trừng phạt và xây dựng các kế hoạch viện trợ cho quốc gia Đông Á.

Tuy nhiên, để làm điều này, Mỹ phải bỏ qua những bất đồng trong quá khứ, gác lại những lời chỉ trích gây nên sự đối lập giữa hai quốc gia.  

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ra những vấn đề này không quan trọng đối với chính sách hiện tại của Mỹ đối với Triều Tiên. Do đó, có kỳ vọng lớn cho rằng Washington sẽ thực hiện theo lời khuyên của Nga.

Sự hiện diện của Mỹ ở Hàn Quốc có suy giảm?

Năm ngoái, Tổng thống Trump đã gây bất ngờ cho các quan chức quân đội và các cố vấn riêng của mình khi ông đề nghị Mỹ ngừng tham gia vào các cuộc tập trận với Hàn Quốc, một ý tưởng mà nhiều nhà quan sát tin rằng ông nhận lời khuyên từ Tổng thống Putin.

Các quan chức Nga có khả năng thúc đẩy nhiều hơn vấn đề này trong thời gian diễn ra hội nghị. Bởi về cơ bản, hàng chục ngàn lính Mỹ ở Hàn Quốc và các cuộc diễn tập quân sự chung của hai nước cũng được coi là gây ra sự không hài lòng đối với Nga.

Trong khi chính quyền Trump tuyên bố, việc rút quân của Mỹ không có trên bàn làm việc tại hội nghị thượng đỉnh này, các chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc vẫn lo ngại Tổng thống Trump sẽ báo hiệu sự suy yếu khác của quan hệ đối tác quân sự Mỹ-Hàn Quốc.

Năng lượng và thương mại

Biên giới của Triều Tiên với Nga chỉ dài khoảng 18 km với một cây cầu đường sắt duy nhất nối liền hai nước. Năm ngoái, các quan chức của cả hai nước cho biết họ sẽ phát triển một giao lộ mới cho phép hàng hóa thông thương trực tiếp mà không cần vòng qua Trung Quốc như trước đây.

Các nhà quan sát cho biết, ngành công nghiệp gỗ của Nga trên bán đảo Siberia phụ thuộc vào hàng ngàn công nhân Triều Tiên, những người có thể sẽ bị trục xuất về nước theo lệnh trừng phạt quốc tế.

Giới chuyên gia lưu ý rằng các ngành công nghiệp dầu khí của Nga sẽ được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Việc dỡ bỏ lệnh cấm giao dịch với Triều Tiên sẽ cho phép Tổng thống Putin thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Đông Nga, khu vực kém phát triển nhất của đất nước.

“Nga coi Triều Tiên là một đối tác tiềm năng dài hạn”, Harry J. Kazianis, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm lợi ích quốc gia, Mỹ, nhận định. “Ở thời điểm này, Nga quan tâm đến hòa bình trong khu vực, để có thể gặt hái những lợi ích tài chính”.