Môi trường

Chuyên gia Nhật tiếp tục gặp khó khi thí điểm lại công nghệ Nano trên sông Tô Lịch

Từ nay đến tháng 10/2019, sông Tô Lịch sẽ thường xuyên tiếp nhận dòng chảy mạnh khi vào mùa mưa. Trước đó, quyết định xả 1 triệu m3 nước vào sông đã làm hỏng toàn bộ thí điểm công nghệ làm sạch của chuyên gia Nhật trong vòng 2 tháng qua.

Sau đợt xả hơn 1triệu m3 nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch để đưa mức nước về bình thường đã khiến cho toàn bộ thí nghiệm trước đó của Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) bị cuốn trôi và phải làm lại toàn bộ thí nghiệm từ đầu.

Các chuyên gia sẽ phải tiếp tục mất 2 tháng mới có thể tiến hành lấy mẫu và đưa ra kết quả. Điều đáng lo ngại là cũng trong khoảng thời gian đó, từ nay đến tháng 10/2019 chính là thời điểm Hà Nội vào mùa mưa lũ. Mực nước sẽ dâng cao và cần phải xả nước để đưa mực nước trở về mức bình thường.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: “Đơn vị đã đề nghị JVE nghiên cứu, có giải pháp khắc phục việc sông Tô Lịch sẽ thường xuyên tiếp nhận dòng chảy mạnh khi có mưa từ nay đến tháng 10/2019 để hạn chế ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm”.

Công ty thoát nước Hà Nội đề nghị JVE nghiên cứu giải pháp khắc phục việc sông Tô Lịch sẽ thường xuyên tiếp nhận dòng chảy mạnh. Ảnh: Hữu Thắng.

“2 tháng tới sẽ là thời điểm mùa mưa lũ diễn ra phức tạp, mực nước dự kiến ở các dòng sông, ao hồ sẽ dâng cao vào thời điểm này, để đảm bảo và phòng chống ngập úng trong mùa mưa bão đơn vị bắt buộc phải xả nước để phục vụ công tác phòng chống thiên tại. Tuy nhiên đơn vị sẽ vẫn hỗ trợ tối đa hết sức có thể để việc nghiên cứu của phía JVE diễn ra thuận lợi”, vị này thông tin.

Lý giải về việc xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch khiến cho toàn bộ thí nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản bị cuốn trôi, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay đơn vị không hề nhận được phản hồi nào từ Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản sau khi đơn vị xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch.

"Thời gian qua, công ty đã hỗ trợ hết mức tổ chức này trong việc thử nghiệm công nghệ làm sạch trên sông Tô Lịch. Nhiều lần mực nước hồ Tây dâng vượt quá mức cho phép nhưng đơn vị vẫn giữ lại để hỗ trợ các chuyên gia Nhật Bản. Nhưng lần này, đơn vị cho xả nước vì mực nước ở hồ Tây đã ở mức nguy hiểm, không thể không xả.

Việc chúng tôi xả nước trước khoảng một tuần trước ngày 17/7 (thời hạn lấy kết quả thí nghiệm công nghệ Nano trên sông Tô Lịch sau 2 tháng) do chúng tôi không thể lùi thời gian xả nước được nữa. Khi đó, mực nước hồ Tây vượt quá cao so với quy định, theo dự báo thời tiết ngày 15/7 sẽ có lượng mưa to đổ xuống và mực nước ở hồ Tây đã ở mức nguy hiểm, không thể không xả", vị lãnh đạo công ty Thoát nước Hà Nội cho khẳng định.

Theo quy định, mực nước khống chế vào mùa mưa của hồ Tây được quy định từ 5,60 m đến 5,70 m. Tại thời điểm ngày 9/7, mực nước hồ Tây đo được là 5,96 m, vượt 0,26-0,36 m so với mực nước quy định. Trước khi hạ mực nước hồ Tây, công ty đã thông báo cho Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE, đơn vị thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor) và JVE đã khẳng định trên báo chí là không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm. Do vậy, từ ngày 9 đến 11/7, công ty hạ mực nước hồ Tây.

Trước đó ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) đã khẳng định: “Chủ trương của thành phố là phải xả nước từ hồ Tây để đảm bảo an toàn mùa mưa lũ thì chúng tôi không phản đối gì, trong khi phải xả thì đấy là điều đương nhiên thì chúng tôi không hề có ý kiến gì.”