Sự kiện

Chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ tu bổ di tích Chùa Cầu ở Tp.Hội An

UBND Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam và JICA ký kết hợp tác hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.

Chiều 26/3, UBND Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức lễ ký kết Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.

Ông Shimisu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam chia sẻ, công việc tu bổ Chùa Cầu gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi kiến thức và chuyên môn kỹ thuật cao. JICA dự kiến sẽ hỗ trợ dự án tu bổ Chùa Cầu mà tỉnh Quảng Nam và Tp.Hội An làm chủ đầu tư, thông qua các hoạt động phái cử chuyên gia và tình nguyện viên Nhật Bản.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại lễ ký kết hợp tác. 

Trong khi đó, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, chùa Cầu là biểu tượng của Tp.Hội An. Thời gian gần đây, chùa Cầu xuống cấp, hư hỏng.

Sắp đến, dự án tu bổ di tích chùa Cầu sẽ được tỉnh Quảng Nam triển khai thi công tu bổ.

Với tính chất đặc biệt là biểu trưng di sản văn hóa Tp.Hội An, biểu tượng cho tình hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam - Nhật Bản nên việc tu bổ phải tiến hành hết sức thận trọng, cần có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là kinh nghiệm từ Nhật Bản.

Lễ ký kết Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích chùa Cầu giữa UBND Tp.Hội An và Văn phòng JICA Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả khoa học tu bổ di tích và đặc biệt hơn nữa là càng làm gắn kết chặt chẽ thêm mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa 2 đất nước Việt Nam và Nhật Bản. 

Chùa Cầu đang bị hư hỏng. 

Ông Tần đề nghị, sau lễ ký kết này, UBND Tp.Hội An phối hợp với các cơ quan thẩm quyền và Văn phòng JICA Việt Nam xúc tiến các thủ tục để sớm tiếp nhận chuyên gia từ Nhật Bản hỗ trợ tu bổ di tích Chùa Cầu dự kiến triển khai thi công vào giữa năm 2022.

Cũng theo ông Tân, cách đây khoảng 400 năm, vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, trong bối cảnh Kỷ nguyên thương mại biển phát triển mạnh mẽ, thương nhân các nước Đông - Tây nói chung, thương nhân Nhật Bản nói riêng đã giong buồm đến giao thương buôn bán tại Tp.Hội An.

Được sự cho phép của các chúa Nguyễn, các thương nhân, kiều dân Nhật đã xây dựng tại Tp.Hội An một khu phố riêng để cư trú và thuận tiện tiến hành các hoạt động thương mại.

Bên cạnh việc góp phần hình thành Chữ quốc ngữ, các thương nhân cùng với kiều dân Nhật lúc bấy giờ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc ở Tp.Hội An và vùng lân cận, đặc biệt là đã xây dựng Chùa Cầu/cầu Nhật Bản tại cảng thị quốc tế Tp.Hội An.

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu tuần du phương Nam đến phố Hội An đặt tên cho cây cầu này là Lai Viễn Kiều với ý nghĩa là “Cầu đón khách từ phương xa”. 

Những hư hỏng này tại chùa Cầu sắp được sửa chữa. 

Do nhiều nguyên nhân, hoạt động ngoại thương của Nhật Bản ở Tp.Hội An thưa dần và chấm dứt vào cuối thế kỷ XVII. So với lịch sử phát triển thì gần một thế kỷ giao thương Việt - Nhật tại Tp.Hội An tuy ngắn ngủi, song đã để lại cho ngày hôm nay nhiều di sản quý báu không chỉ ở Tp.Hội An mà ngay tại Nhật Bản, nổi bật là Di tích Chùa Cầu tại Hội An, một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện mối bang giao hữu hảo từ lâu trong lịch sử giữa Việt Nam và Nhật Bản; là tiền đề quý giá cho tình hữu nghị, hợp tác giữa 2 nước sau này...

Trước đó, Người Đưa Tin ghi nhận, chùa Cầu, Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam, xuống cấp. Trên thân cầu, nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái và các cột bị mục; một số thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau.

Các dầm cầu hư hỏng được cơ quan quản lý dùng cây gỗ chống đỡ. Kết cấu phần cầu và miếu có độ tách rời vài cm. Nhiều chỗ trên mái bị dột nước mưa, ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình…

Chùa Cầu là điểm thu hút của nhiều du khách khi đến Tp.Hội An. 

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định chi 20 tỷ đồng tu sửa chùa Cầu. việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An và góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao giá trị của di tích.

Tổng mức đầu tư được duyệt hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 13 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng…

Chủ đầu tư dự án là UBND Tp.Hội An. Nguồn vốn đầu tư 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, 50% còn lại từ ngân sách Tp.Hội An. Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án. Thời gian thực hiện từ 2021 đến 2023.