Môi trường

Chuyên gia lo ngại Hồ Gươm "thành bể cạn khổng lồ”

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực BCH hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng việc kè hồ gươm bằng bê tông đúc sẵn cần được đánh giá, xem xét lại.

Mới đây, Thành phố Hà Nội cho biết hiện đang giao quận Hoàn Kiếm nghiên cứu việc thay thế toàn bộ bờ kè quanh Hồ Gươm vì hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Bờ kè quanh Hồ Gươm đang xuống cấp nghiêm trọng.

Theo đó, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về việc kè Hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn. Phía đơn vị thực hiện cho rằng, công nghệ này riêng có của Việt Nam, đảm bảo bền vững trong thời gian dài.

Phương án đề xuất kè Hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn.

Tuy nhiên, việc kè Hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Trong đó, không ít nhà nghiên cứu văn hoá Hà Nội, Hồ Gươm cho rằng kè bằng khối bê tông đúc sẵn sẽ làm phá vỡ cảnh quan của Hồ Gươm.

Trước những ý kiến trái chiều, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực BCH hội Kiến trúc sư Hà Nội.

Hà Nội đang xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về việc kè Hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn, theo ông, điều này có cần thiết không?

Kè bằng bê tông đúc sẵn tôi thấy rằng kết cấu hơi nặng, bởi đây là kè thường dùng trong công trình giao thông, có tải trọng lớn, tốc độ cao mới cần khối bê tông lớn thế này. Nên kè này có vẻ như quá mức cần thiết ở Hồ Gươm.

Tôi cho rằng nên cân nhắc lại, bởi kè Hồ Gươm chỉ là chống sạt lở ven hồ, để bảo vệ sụt lún của đường đi lại nên dùng kết cấu nhẹ nhàng.

Thứ nhất, phải tính toán tải trọng phù hợp bởi nặng nề, tốn kém thêm nữa làm triệt tiêu thấm hút theo chiều dọc và chiều ngang. Vì vật liệu nặng ép xuống thì nền móng phải tốt, nén chặt lại thì làm mất đi mao mạch dẫn nước của đáy hồ làm hạn chế việc thẩm thấu nước, điều tiết mặt nước. Khi điều tiết mặt nước bị hạn chế sẽ làm ảnh hưởng đến thuỷ sinh, cho nên càng làm gần tự nhiên càng tốt.

KTS Trần Huy Ánh.

Vậy kè bờ bằng bê tông đúc sẵn liệu có khiến Hồ Gươm bị phá vỡ cảnh quan hay không thưa ông?

Khi làm bất cứ việc gì cũng không được làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân quanh Hồ Gươm. Giải pháp làm ở đây là kể cả phương tiện, máy móc, thiết kế tổ chức thi công cũng phải rất thông minh, chia nhỏ ra làm từng đoạn một, để thi công gọn gàng, sạch sẽ không ảnh hưởng đến sinh hoạt giao thông ven hồ.

Bởi, đây là nơi duy nhất người Hà Nội nghỉ ngơi, có nghĩa là nên thi công vào buổi đêm và đảm bảo sinh hoạt đô thị không bị ảnh hưởng.

Việc kè Hồ Gươm cũng đã diễn ra nhiều lần chứ không phải mới một lần, vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề bờ kè xuống cấp nghiêm trọng?

Đã có một phương án công ty tư vấn của Pháp đề xuất, thân thiện với môi trường hơn đó là cũng là kè bê tông nhưng tạo nên những khoảng trống để trồng cỏ. Về mặt thị giác, xúc giác và tạo môi sinh phục hồi lại nguyên trạng vẫn thuận lợi hơn, đây là cách làm thông minh, hiện đại và thẩm mỹ hơn. Nên nghiên cứu đề xuất của người Pháp để thực hiện.

Giải pháp dùng các tấm ép xuống là tốt nhất, dùng tấm nhẹ chứ không phải dùng những tấm kè lớn nặng bằng khối bê tông như thế này.

Xin cảm ơn ông!

Sẽ biến Hồ Gươm thành bể cạn khổng lồ!

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhà rùa học, PGS.TS Hà Đình Đức – người có nhiều năm nghiên cứu về văn hoá Hà Nội, đặc biệt là Hồ Gươm bày tỏ sự lo lắng, quan ngại sâu sắc: “Nếu làm bờ kè như vậy thì sẽ biến Hồ Gươm thành bể cạn khổng lồ, làm mất cảnh quan không ra cái hồ nữa. Thường khi cải tạo hồ sẽ rất chú trọng đến bờ, làm những tảng bê tông để kè nhưng phải tạo khe hở, trồng cỏ mới giữ được vẻ tự nhiên. Còn nếu chỉ cho các tảng bê tông khô cứng thì chẳng khác gì bể cạn, điều này rất nguy hiểm. Tôi cho rằng nên cân nhắc cẩn thận, chứ Hồ Gươm không thể làm tuỳ tiện”.

Xem thêm video: 

Thanh Lam - Di Hân