Dân sinh

Chuyên gia lên tiếng việc TP.HCM phê duyệt quy hoạt hàng loạt nút giao thông dạng vòng xuyến

UBND TP.HCM vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng bốn nút giao thông với điểm chung là được quy hoạch theo dạng vòng xuyến. Các chuyên gia nhận định cân nhắc và tính toán hợp lý vì mô hình này không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 của 4 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn. Các giao lộ gồm: Hồng Bàng - An Dương Vương - Ngô Quyền (quận 5); Nguyễn Văn Cừ - Hùng Vương - Trần Phú (quận 5); Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm (quận 5); Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Tri Phương (quận 10).

Trong 4 nút giao, có 3 nút giao thông trọng điểm nằm trên địa bàn quận 5 và 1 nút thuộc quận 10. Theo quy hoạch, ranh giới nút giao thông Nguyễn Văn Cừ - Hùng Vương - Trần Phú (quận 5) là 3,59ha, thiết kế theo dạng vòng xuyến 6 nhánh.

Quy hoạch giao thông tại TP.HCM gặp khó khăn vì số lượng phương tiện ngày càng tăng cao.

Còn nút giao thông trọng điểm Hồng Bàng - An Dương Vương - Ngô Quyền (quận 5) sẽ có tổng diện tích là 2,86 ha, thiết kế dạng vòng xuyến và đảo trung tâm hình oval gồm 6 nhánh. Cũng tại quận 5, ranh giới quy hoạch của nút giao Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm là 3,09 ha, quy hoạch dạng vòng xuyến.

Tổng diện tích nút giao Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Tri Phương tại quận 10 là 2,83 ha, được quy hoạch dạng vòng xuyến 6 nhánh. Theo thiết kế được duyệt, tốc độ lưu thông của 4 nút giao này đạt 60km/h.

UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cho các UBND quận có liên quan, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư tiến hành khảo sát, đo đạc lập bản đồ hiện trạng hoặc cơ quan cung cấp bản đồ chịu trách nhiệm về tính chính xác của những số liệu đánh giá hiện trạng ghi trong hồ sơ bản vẽ quy hoạch mặt bằng 1/500.

Trong khi đó, việc cập nhật quy hoạch 4 nút giao thông trọng điểm này vào bản đồ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 liên quan sẽ do các UBND quận đảm nhiệm. Việc này nhằm đảm bảo công tác quản lý quy hoạch đồng bộ, thống nhất trên địa bàn TP.HCM.

Trước thông tin này, một số chuyên gia giao thông cho rằng cần cân nhắc và tính toán hợp lý quy hoạch tại 4 nút giao thông này, vì mật độ phương tiện giao thông tại TP.HCM hiện nay đã ở mức quá cao so với năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng. Chính vì thế, mô hình vòng xuyến tại các nút giao không còn phù hợp, thậm chí sẽ khiến tình trạng ùn tắc giao thông vốn đã nghiêm trọng càng trở nên kinh hoàng.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Duy, Trưởng bộ môn Quy hoạch giao thông (đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) nhận định: “Mô hình giao lộ vòng xuyến có ưu điểm là người điều khiển phương tiện tự điều chỉnh cách di chuyển, hạn chế được tai nạn giao thông xảy ra. Nút giao thông hình vòng xuyến còn giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, giá thành xây dựng thấp, không mất chi phí điều khiển, vận hành. Bên cạnh đó, mô hình này tạo mỹ quan cho đô thị bởi vòng tròn ở giữa có thể tận dụng làm vườn hoa, quảng trường, tượng đài”.

“Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhược điểm, đòi hỏi nhà làm quy hoạch giao thông cần tính toán kỹ, vì sẽ tác động trực tiếp đến năng lực giao thông, nhất là giao thông đô thị. Cấu tạo nút giao thông vòng xuyến quanh đảo chiếm diện tích quỹ đất lớn vì xe chạy vòng quanh đảo mới được tách ta khỏi dòng nên hành trình thường dài. Mô hình này không ưu tiên cho các hướng đường cần ưu tiên. Vì thế, về lâu dài sẽ không có lợi cho khai thác, nhất là khi lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh”, ông Nguyễn Hữu Duy cho biết.

Các chuyên gia nhận định, mô hình vòng xuyến tại TP.HCM chưa phát huy hiệu quả.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng TP.HCM cũng nhận xét: “Trên thực tế, mô hình giao thông vòng xuyến tại TP.HCM chưa phát huy hiệu quả vì xung đột trong việc nhập và tách dòng khi các phương tiện cá nhân, chủ yếu xe gắn máy, không tuân thủ quy tắc lưu thông, thường cắt ngang dòng xe, dẫn đến ùn ứ”.

“Việc mở rộng ranh giới quy hoạch các nút giao vòng xuyến lên đến 3ha đồng nghĩa bán kính đảo trung tâm cũng được mở rộng. Cách làm này là để tạo đường chiều dài trộn dòng tránh được xung đột giữa các dòng xe. Lý thuyết này chỉ dành riêng cho xe ô tô và không phù hợp với xe máy. Trong khi đó, phương tiện lưu thông qua vòng xuyến hiện nay tại TP.HCM là hỗn hợp, thiên về xe gắn máy”, Tiến sĩ Võ Kim Cương cho hay.

Huy Nguyên