Kinh tế vĩ mô

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB: Lạm phát Việt Nam sẽ dưới mức kiểm soát

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB, cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt năm 2022, dù xung đột Nga-Ukraine có thể gây ảnh hưởng gián tiếp.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Châu Á 2022. Trong báo cáo này, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 6,7% 2023, liệt kê một số thành tựu kinh tế gần đây và những rủi ro trong ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và khu vực. 

Xoay quanh những đánh giá từ báo cáo của ADB, phóng viên của Người Đưa Tin đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam. 

Người Đưa Tin: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn. Thưa ông, theo số liệu từ Tổng cục thống kê, mức tăng trưởng GDP Việt Nam quý I là 5,03%, vượt qua tăng trưởng của quý I/2021 và quý I/2020. Ông đánh giá như thế nào về kết quả trên? Liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay? 

Ông Nguyễn Minh Cường: ADB rất lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Một trong những yếu tố mà ADB lạc quan là mức độ giảm sâu của số ca nhiễm mới Covid-19 trong năm nay. Bên cạnh đó, như ADB đã trình bày trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế tỉ lệ thuận với độ phủ của vắc-xin. 

Mức độ giảm rất sâu của số ca nhiễm mới trong đầu tháng 4/2022 và độ phủ vắc-xin tăng sẽ tạo đà phục hồi toàn diện cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, từ công nghiệp chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp cho đến thương mại và đầu tư, về cả cung và cầu.  

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018-2021 và dự báo cho năm 2022 và 2023 của ADB. Nguồn: ADB.

Người Đưa Tin: Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam quý I/2022 đạt 1,92%, thấp hơn mặt bằng chung các nước trong khu vực trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao và tiêu dùng tăng nhanh và mạnh khi thích ứng an toàn với dịch bệnh. Ông đánh giá Việt Nam đã làm hay chưa làm được gì trong việc kiểm soát lạm phát và cần làm gì trong thời gian tới để tránh "bão" lạm phát?

Ông Nguyễn Minh Cường: Chúng ta có thể thấy lạm phát đến từ tác động về chi phí đẩy và tác động từ nhu cầu. Nhu cầu của Việt Nam chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch dù đã chuyển sang chính sách kiểm soát dịch linh hoạt. Trong tháng 1 và tháng 2/2022, số ca nhiễm Covid-19 đã lên rất cao, ở mức 100.000-200.000 ca/ngày, khiến nhu cầu trong nước chưa phục hồi. 

Tuy nhiên, tác động của chi phí đến lạm phát của Việt Nam, đặc biệt là giá dầu chưa thực sự thể hiện rõ nét. Có lẽ khi giá dầu tiếp tục biến động, tác động chi phí đẩy đến lạm phát sẽ rõ ràng hơn. Nhìn chung, ADB cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát - dưới 4%. 

Lạm phát theo tháng của Việt Nam giai đoạn 2020 - tháng 3/2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhất định để hạn chế lạm phát. Dù chưa thể dùng công cụ tiền tệ để ứng phó lạm phát trong năm 2022, khả năng điều hành giá của Việt Nam vẫn còn tương đối linh hoạt, ví dụ như giảm thuế môi trường đối với xăng dầu. Trong suốt năm 2022, rủi ro lớn nhất đối với lạm phát vẫn là yếu tố bên ngoài. Sang năm 2023, khi kinh tế phục hồi và nhu cầu nội địa tăng lên, sức ép lạm phát sẽ bắt đầu đến từ tăng cầu. 

Người Đưa Tin: Theo ADB, xung đột Nga - Ukraine liệu có ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam trong ngắn và trung hạn hay không, bên cạnh tác động từ giá dầu mỏ?

Ông Nguyễn Minh Cường: Có 3 kênh tác động đến kinh tế Việt Nam từ xung đột. Kênh thứ nhất - quan hệ thương mại song phương - thì hầu như không đáng kể. Quan hệ thương mại của cả Ukraine và Nga với Việt Nam chưa ở mức gây tác động mạnh.

Kênh thứ 2 là quan hệ thương mại của Việt Nam đối với các nền kinh tế lớn. Xung đột Nga - Ukraine có tác động mạnh và sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), trong khi những quốc gia và khu vực này lại là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Kênh thứ 3 là tác động qua lạm phát. Xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến thị trường hàng hóa thế giới biến động, đặc biệt là thị trường xăng dầu, từ đó gây sức ép nhất định lên tỉ lệ lạm phát. Nhìn chung, 2 kênh thương mại và lạm phát sẽ tác động mạnh hơn đến Việt Nam. 

Người Đưa Tin: Xin cảm ơn ông đã tham gia buổi phỏng vấn!