Đời sống

Chuyên gia hé lộ lý do vì sao táo nhập khẩu để cả tháng vẫn không hỏng

Nhiều người tiêu dùng e ngại về hiện tượng táo nhập khẩu để hàng tháng không hỏng. Liệu có phải những quả táo này được bảo quản bằng hóa chất độc hại?

Chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, chị Lê Mai Hoa (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có thói quen ăn táo nhập khẩu đã lâu. Một hôm chị muốn thử xem táo có dùng thuốc bảo quản hay không bằng cách để quả táo trong điều kiện tự nhiên xem bao lâu thì hỏng. Kết quả là sau 1 tháng, quả táo vẫn còn tươi, vỏ vẫn đẹp. Khi rửa, vỏ táo trơn tuột như bôi mỡ hoặc dẻo quánh và có màu đục, dính như nước hồ.

Điều này khiến chị Hoa không khỏi băn khoăn, chế phẩm bảo quản táo là gì, liệu có gây độc hại cho người sử dụng? Ở các loại trái cây khác thì công nghệ bảo quản có giống nhau?

Giải đáp thắc mắc này, ThS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, để trái cây được tươi lâu, các nước tiên tiến vẫn bảo quản bằng các lớp sáp tự nhiên làm từ thực vật, lành tính, không gây độc hại cho sức khỏe con người.

Có 2 loại sản phẩm sáp cấp thực phẩm chính được áp dụng cho táo. Sáp Shellac được làm từ dịch tiết của bọ lac - một loài bọ cánh cứng được tìm thấy ở Thái Lan và Ấn Độ. Shellac cấp thực phẩm tạo ra độ sáng bóng trên táo. Khoảng 85% sáp táo được sử dụng ở Úc là dựa trên shellac. Loại khác là sáp carnauba có nguồn gốc từ cây cọ Copernicia prunifera chỉ được trồng ở Brazil. Loại sáp này ổn định hơn trong nhiều điều kiện độ ẩm và nhiệt độ rộng hơn. Khoảng 15% sáp táo được sử dụng ở Úc có nguồn gốc từ carnauba.

Cả sáp carnauba và shellac đều được chấp nhận là phụ gia thực phẩm tại Úc theo Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (FSANZ). Cả 2 sản phẩm cũng được phê duyệt trên toàn thế giới bao gồm cả Hoa Kỳ, Châu Âu và Vương quốc Anh.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khẳng định: “Trên lá cây khoai lang, mồng tơi, cây dọc mùng và một số loại cây khác vẫn có chất “sáp” để tự bảo vệ, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, tránh sự ảnh hưởng của điều kiện khí hậu. Cho nên, nếu là táo nhập khẩu thì không lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm bởi tất cả hoa quả nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cả tiểu ngạch và chính ngạch đều được kiểm soát chặt chẽ, những lô hàng không đảm bảo yêu cầu sẽ bị trả lại, không được nhập khẩu vào Việt Nam”.

Liên quan đến vấn đề này, theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, việc bảo quản trái cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, khi thấy trái cây giữ được lâu thì chưa nên vội kết luận đó là do các chất bảo quản độc hại.

Giống táo, lê có thời gian bảo quản dài, cộng với việc đã được sản xuất ở trong một điều kiện không bị nhiễm các vi sinh vật với điều kiện bảo quản tốt thì có thể kéo dài được từ 6-10 tháng, thậm chí cả năm.

Thời gian bảo quản dài hay ngắn còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản như nồng độ CO2, độ ẩm, nhiệt độ bảo quản (tốt nhất từ 1-5 độ C), điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm, loại cây, giống cây... Trong điều kiện bình thường, quả táo hay quả lê không thể để được đến vài tháng mà không hỏng. Nhưng chất bảo quản an toàn thì cũng không sao.

Mặc dù vậy, một số ý kiến khác cho rằng, cần cảnh giác với việc các tư thương sau khi nhập khẩu trái cây về Việt Nam, để tránh hư thối, bảo quản được lâu, sẽ sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật để ướp hoa quả. Những loại thuốc này nếu mua trôi nổi trên thị trường, ngoài danh mục được phép sử dụng sẽ rất độc hại.

Để tránh tình trạng này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp, kiểm tra, thanh tra đột xuất, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện, xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm, coi thường sức khỏe người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, tốt nhất là không nên ăn các loại quả để quá lâu mà không hỏng bởi dù bên ngoài vẫn tươi nhưng các chất bên trong vẫn có thể bị chuyển hóa. Cách tốt nhất là ăn quả theo mùa. Với quả nhập khẩu thì có thể chọn loại rõ nguồn gốc xuất xứ và dù để lâu vẫn tươi thì cũng nên dùng ngay khi mua.

Minh Hoa (t/h)