Sức khỏe

Chuyên gia gợi ý 4 món ăn tốt cho trẻ bị sốt sau tiêm vắc-xin Covid-19

Sau khi tiêm phòng vắc-xin Covid-19, trẻ có thể bị sốt, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Dưới đây là một số cách đơn giản tại nhà giúp trẻ hạ sốt nhanh và mau hồi sức.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng cách sau khi tiêm vắc-xin Covid-19

Việc có nên cho trẻ em uống thuốc hạ sốt sau khi tiêm vắc xin Covid-19 hay không khiến nhiều bậc phụ huynh quan tâm hiện nay, Đại úy, Bác sĩ chuyên khoa 1 nhi Đỗ Duy Hải, Học viện Quân y chia sẻ với báo Quân đội nhân dân về vấn đề này.

Theo bác sĩ Đỗ Duy Hải, trẻ em tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì việc uống thuốc hạ sốt sau khi tiêm cũng phải được sự theo dõi, chỉ định của bác sĩ. Phản ứng sốt sau khi tiêm vắc xin sẽ tùy cơ địa mỗi trẻ. Có trẻ sốt, có trẻ không. Việc có hay không sốt không đồng nghĩa với việc trẻ có sốt phản ứng sinh miễn dịch tốt hơn trẻ không sốt.

Sau khi trẻ tiêm vắc-xin Covid-19 có biểu hiện sốt cao, đau tại vị trí tiêm các bậc phụ huynh có thể dùng thuốc hạ sốt. Thuốc hay dùng là Paracetamol, ngoài ra còn có Ibuprofen, Aspirin. Việc dùng hạ sốt loại nào, dạng bào chế nào, liều lượng, cách dùng cần có hướng dẫn của bác sĩ.

Sau tiêm vắc-xin Covid-19 nhiều người hay sốt. Ảnh minh họa.

Người nhà thường xuyên đo hoặc nhắc nhở trẻ đo thân nhiệt. Khi sốt dưới 38,5 độ C thì cởi bớt hay nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Sốt từ 38,5 độ C trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. 

Bác sĩ Đỗ Duy Hải cho rằng, “trẻ em không phải người lớn thu nhỏ”, dùng bất cứ thuốc gì cũng phải theo cân nặng của trẻ. Thuốc hạ sốt cũng không ngoại lệ. Phụ huynh cần theo dõi kỹ trẻ để phát hiện các biểu hiện nguy hiểm như: Sốt cao không hạ, trẻ li bì, bỏ ăn, co giật, các biểu hiện phản vệ (ban mày đay, khó thở, thở rít...) để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Sau tiêm vắc-xin Covid-19 trẻ sốt cao ăn gì cho nhanh khỏi

Cháo, súp chứa nhiều nước nên khi ăn cháo, súp sẽ cung cấp tân dịch cho cơ thể, bù lượng nước thiếu hụt bị mất do sốt. Cháo cũng rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu.

Theo Sức khỏe & Đời sống, trẻ sốt cao dễ bị mất nước, bởi vậy việc cần làm là bù dịch và năng lượng cho cơ thể. Trẻ cần được nghỉ ngơi lấy lại sức. Uống nhiều nước. Nếu trẻ mệt mỏi, buồn nôn và chán ăn do sốt, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp…

Súp gà: Súp gà là món rất dễ ăn khi bị ốm, mệt mỏi. Súp gà cung cấp vitamin, khoáng chất, calo và protein. Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết mà cơ thể cần để hồi phục.

Loại nước này giúp cung cấp nhiều nước và chất điện giải, rất tốt để phòng nguy cơ mất nước trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa, sốt…

Đặc biệt súp gà làm từ nước hầm xương cũng rất giàu collagen và các chất dinh dưỡng có thể giúp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe.

Cháo đậu xanh: Đậu xanh là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin và khoáng chất. Trong y học cổ truyền, đậu xanh còn là vị thuốc thanh nhiệt, giải độc, trị cảm sốt, sinh tân dịch… Vì vậy, đây là món ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, tốt cho trẻ bị sốt.

Cháo gà: Cho trẻ ăn cháo gà giúp bổ sung dinh dưỡng, cung cấp chất bột đường, vitamin, khoáng chất và bù nước cho trẻ khi bị sốt. Trong thịt gà là một nguồn thực phẩm giàu protein. Thịt gà cũng chứa axit amin cysteine giúp phá vỡ chất nhầy và có tác dụng kháng virus, chống viêm và chống oxy hóa.

Cháo trứng: Trứng là nguồn cung cấp protein dồi dào và chứa các axit amin thiết yếu giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Cháo trứng rất giàu dinh dưỡng và thơm ngon. Trứng cũng là thực phẩm yêu thích của trẻ nên trẻ sẽ dễ ăn hơn. Bên cạnh đó, hành lá kết hợp với cháo trứng gà không chỉ ngon miệng mà nó còn giúp giải cảm hiệu quả.

Trúc Chi (t/h)