Đời sống

Chuyên gia giám định nhầm làm cổ vật hơn 700 tỷ đồng bị đập vỡ tan nát

Một người đàn ông đã mang đồ gia truyền đến nhờ chuyên gia thẩm định nhưng không ngờ món báu vật trị giá hơn 700 tỷ đồng lại bị đập vỡ không thương tiếc.

Trong lịch sử hàng nghìn năm của Trung Quốc, nhiều di vật văn hóa, cổ vật được truyền từ đời này qua đời khác, là những bảo vật vô giá và được nhiều người săn lùng. Những người thực sự yêu thích sưu tầm không ngần ngại chi tiền "khủng" để sở hữu chúng. Vì vậy một số gian thương đã nhân cơ hội này bằng mọi cách kiếm lợi nhuận khổng lồ từ những món cổ vật giả.

Nhằm phổ biến kiến thức chơi cổ vật và tránh cho nhiều người bị lừa, các chương trình thẩm định bảo vật ở Trung Quốc được sản xuất và phát sóng ngày càng nhiều. Các chương trình này nhận được phản ứng tích cực bởi ban thẩm định hay người dẫn chương trình đều là những người nổi tiếng hoặc chuyên gia trong lĩnh vực giám định cổ vật. Chương trình kiểu này vừa thỏa mãn trí tò mò, nâng cao kiến thức về cổ vật của người xem, vừa giải đáp và góp phần nâng cao giá trị của món đồ được mang tới giám định.

Thiên hạ sưu tầm, chương trình thẩm định cổ vật quy mô lớn được sản xuất bởi đài truyền hình Bắc Kinh (BTV) là một ví dụ. Khác với Kiểm định bảo vật của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, Thiên hạ sưu tầm bổ sung nhiều yếu tố kịch tính, đặc sắc nhất là màn "đập vỡ bảo vật" nếu chuyên gia xác minh bảo vật đó là giả.

Nghệ sĩ Vương Cương từng tham gia dẫn chương trình kiểm định đồ cổ mang tên Thiên hạ sưu tầm.

Để thu hút khán giả, Thiên hạ sưu tầm còn mời diễn viên gạo cội Vương Cương, người thủ vai Hòa Thân trong bộ phim Tể tướng Lưu Gù, tới dẫn chương trình. Tuy nhiên, trong một số phát sóng cách đây nhiều năm, "Hòa thân" Vương Cương đã đập nhầm một món đồ cổ trị giá 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng hơn 700 tỷ đồng) gây ra tranh cãi lớn.

Cặp chén cổ của nhà sưu tập Phó Thường Dũng.

Cụ thể, trong tập phát sóng ngày 28/10/2012, người đàn ông tên Phó Thường Dũng, một bác sĩ y học cổ truyền người Hà Bắc, đã mang món đồ gia truyền là cặp chén sứ Điềm Bạch từ thời nhà Minh đến chương trình và nhờ chuyên gia thẩm định.

Vương Cương đập vỡ món đồ cổ trên sóng truyền hình vì các chuyên gia cho nó là giả.

Sau khi nhận bảo vật trên tay, các chuyên gia bắt đầu xem xét kỹ lưỡng. Nhưng sau khi phân tích, họ đồng loạt thống nhất món đồ cổ này là hàng nhái, là đồ hiện đại được làm giả cổ. Tuân thủ quy tắc chương trình, nam nghệ sĩ Vương Cương đã ngay lập tức dùng búa đập vỡ toàn bộ món đồ trên sóng truyền hình.

Nhưng chuyện chưa kết thúc tại đó. Phía Phó Thường Dũng vẫn nghi ngờ về kết luận trên nên đã đem toàn bộ mảnh vỡ của món đồ tìm tới các chuyên gia khác. Bất ngờ là những chuyên gia mà anh tìm tới lại kết luận mảnh vỡ là của một báu vật thật sự, có trị giá ít nhất 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng hơn 700 tỷ đồng).

Biết món đồ quý giá đã bị chương trình đánh giá sai và phá hủy, Phó Thường Dũng rất tức giận. Anh cho rằng các chuyên gia và ê-kíp chương trình quá vô trách nhiệm, chỉ đánh giá bằng sự quan sát ngắn hạn nên mong họ bù đắp thiệt hại cho mình. Tuy nhiên nhóm làm chương trình đã tìm lại các điều khoản mà Phó Thường Dũng ký lúc đầu và cho biết sẽ không chịu trách nhiệm. Không chấp nhận câu trả lời này, anh Phó đã kiện ê-kíp chương trình ra tòa.

Vụ kiện kéo dài gần 3 năm, tới đầu năm 2016, tòa án đã ra phán quyết: Tất cả các yêu cầu của nguyên đơn Phó Thường Dũng bị bác bỏ. Phí thụ lý vụ án là 3.300 NDT cũng do chính Phó Thường Dũng chi trả. Nói cách khác, hợp đồng mà anh này ký trước thời điểm tham gia chương trình có hiệu lực pháp lý. Người tham gia phải chịu toàn bộ trách nhiệm và ê-kíp chương trình không có lỗi.

Dù phía Thiên hạ sưu tầm thắng kiện nhưng sau khi sự việc bị đưa lên mặt báo, nhiều khán giả nghi ngờ tính xác thực từ ý kiến của các chuyên gia tham gia chương trình và cho rằng họ đã làm hư hại một cổ vật quý giá thì nên bồi thường thiệt hại cho đương sự.

Tuy nhiên, không ít người đồng tình với quyết định của tòa, cho rằng thỏa thuận được ký bởi Phó Thường Dũng trước đó là tự nguyện nên việc phải chịu rủi ro là bình thường.

Ý định ban đầu của chương trình rất tốt nhưng để thu hút khán giả, những người sản xuất đã không ngần ngại dùng chiêu trò có phần quá đáng. Hơn nữa, việc thẩm định của chuyên gia cũng không đảm bảo chính xác 100%, một khi sơ suất xảy ra và cổ vật bị phá hủy sẽ là một tổn thất lớn đối với ngành khảo cổ Trung Quốc.

Sau lùm xùm này, ngày càng ít người xem chương trình. Cuối cùng do rating giảm mạnh, chương trình chỉ có thể lựa chọn dừng phát sóng.

Minh Hoa (t/h)