Sự kiện

Chuyên gia giải mã biểu hiện tâm lý từ vụ án vì ghen đoạt cả mạng sống của con

Không ít phụ huynh khi gặp phải cú sốc, bế tắc trong cuộc sống thường tìm đến cái chết, thậm chí còn buộc những đứa con của mình phải chết theo. Điều này khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều vụ việc đau lòng vì bế tắc trong cuộc sống mà những người mẹ, người cha quyết định luôn cho con của mình được sống hay phải chết.

Mới đây nhất, vụ việc phát hiện thi thể 3 cha con chết trong tư thế treo cổ tại tại Tuyên Quang tiếp tục khiến dư luận không khỏi giật mình. Nguyên nhân của vụ việc là, trước đó người vợ của người đàn ông này có đăng ảnh chụp cùng người đàn ông lạ lên trang facebook cá nhân.

Nghe audio: Chuyên gia lý giải biểu hiện tâm lý từ những vụ án vì ghen đoạt mạng sống của con

PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên khoa Tâm lý, Học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).

Thưa TS. Nguyễn Thị Minh, liên tiếp xảy ra những vụ án đau lòng mà cả con trẻ cũng là nạn nhân phải gánh chịu. Vậy, cha mẹ có quyền định đoạt mạng sống của con?

Luật pháp Việt Nam đã quy định rõ, không một ai có quyền cướp đoạt mạng sống của người khác, nhất là cha mẹ. Xét về mức độ tâm lý, trong một gia đình bao giờ cũng sẽ xuất hiện những mâu thuẫn và sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí có những trường hợp nghĩ đến việc tự vẫn.

Thưa chuyên gia, biểu hiện tâm lý của những người có ý nghĩ sẽ tìm đến cái chết, tự tử là gì? Dư luận cho rằng “hổ dữ không ăn thịt con” vậy thì, lý giải thế nào với những người cha, người mẹ khi quyết định tìm đến cái chết lại bắt các con phải chịu cùng?

Khi một người có ý định tự vẫn, họ lên kế hoạch và sẽ có những biểu hiện trong quá trình chuẩn bị.

Về mặt suy nghĩ, họ luôn nghĩ rằng đó chính là đường cùng của bản thân mình, không tìm được lối thoát, nhận thức rất bi quan, họ không còn niềm tin vào con người và xã hội.

Về mặt cảm xúc, những người này sẽ bị rơi vào trạng thái trầm cảm, luôn tự thấy buồn rầu, ủ rũ trong một thời gian dài.

Nếu có cười thì nụ cười đó cũng là nụ cười giả tạo, không phải nụ cười tự nhiên. Đặc biệt, bên trong con người họ, cảm xúc căm thù luôn xuất hiện và nó tồn tại rất lâu, luôn luôn tự thấy mình là người thừa, là người không có giá trị đối với ai.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng cha mẹ không có quyền định đoạt mạng sống của con.

Về mặt hành vi, họ đã suy nghĩ đến những phương án lựa chọn để tự vẫn, có thể cũng nghĩ đến hậu quả. Nhưng, khi đó những cảm xúc tiêu cực đã bao trùm lên tất cả.

Thêm những yếu tố làm tăng lên cảm xúc tiêu cực, dẫn đến hành vi tự tử của con người đó là, người thân vô tâm không quan tâm đến những lúc nhạy cảm của họ. Như vậy, hành vi tự tử của một con người là cả một quá trình chứ không phải là tức khắc. Xét đến việc kéo theo người khác tự vẫn cùng thì câu chuyện lại càng phức tạp hơn.

Đối với đứa con, khi nói chuyện liên quan đến việc tự vẫn, do nhận thức của người con không đủ nên có thể phụ huynh nói những câu mà đứa trẻ sẽ nghĩ là được đi chơi như: “Cha con mình sẽ đến một nơi nào đó thật xa,..”.

Những vụ án mạng mà người chết là người lớn và cả những đứa con đều khiến người thân xót xa, dư luận bức xúc.

Vậy làm thế nào để những phụ huynh khi bế tắc hoặc gặp phải vướng mắc có thể giải quyết được và không tìm đến cái chết? 

Phải giáo dục về mặt nhận thức cho mỗi người để thấy rằng quyền được sống là quyền tối cao, chết không phải là hết. Dù bạn có chết thì hậu quả của bạn vẫn ở đó, vẫn không ai giải quyết được thay bạn, đó không phải là lối thoát tốt của con người.

Mỗi con người cần phải đối diện, nhìn vào vấn đề một cách lạc quan, giúp đỡ nhau trong nhận thức, cho cơ hội quay lại, làm lại, không nên ức chế cảm xúc của người khác dẫn đến việc họ có những suy nghĩ tiêu cực.

Ý nghĩ tự tử không phải chỉ xuất hiện ở những người trầm cảm mà ngay cả khi người bình thường. Ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống, con người cảm thấy bế tắc nhưng có người vượt qua được, lại có những người không vượt qua được, sẽ có suy nghĩ tiêu cực và xuất hiện ý nghĩ tự tử.

Vì vậy, chúng ta cần giúp đỡ họ, giúp vượt qua những khó khăn, suy nghĩ tích cực lên. Đồng thời, cũng tạo ra những cơ hội để họ được giúp đỡ, cơ hội để họ khẳng định mình, để họ thấy rằng mình có giá trị với cuộc sống, cùng với đó cũng nên tạo ra nhiều sân chơi để giúp họ được làm chính mình, được thử sức bản thân, tránh việc ngồi một chỗ suy nghĩ tiêu cực.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc giao lưu, tạo môi trường giao lưu gặp gỡ với những con người tốt thì họ sẽ không còn những suy nghĩ xấu, và việc nghĩ đến tự tử hầu như là không xuất hiện. Người thân và bạn bè cần luôn luôn phải để ý và quan tâm, không được chủ quan, không được bỏ ngoài tai những câu nói mang khuynh hướng tiêu cực của họ.

Xin cảm ơn chuyên gia!

Tâm lý bất bình thường

Trao đổi thêm với PV, chuyên gia tâm lý Lê Thị Tuý cho rằng, việc phụ huynh tự tử và bắt các con phải chết theo mình là biểu hiện tâm lý bất bình thường. Điều này, gây ra sự xót xa cho người thân và bức xúc, căm giận trong xã hội. Và để không xảy ra những sự việc đau lòng tương tự, nhiều người chuyên gia Tuý cảnh báo cần phải trang bị kỹ năng sống cho mình để khi rơi vào trạng thái bế tắc không nghĩ quẩn.

Thanh Lam - Trần Hạnh