Giáo dục

Chuyên gia chia sẻ "bí kíp vàng" giúp tránh áp lực cho tuổi teen

Trẻ em phải chịu rất nhiều áp lực nhưng nhiều người lớn cho rằng đó là điều hiển nhiên và không quan tâm đến. Vậy các bậc phụ huynh cần làm gì để làm "bạn" cùng con?

Trao đổi về vấn đề áp lực của trẻ em với báo Tin tức, PGS.TS Trần Thu Hương, Giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Các con gặp áp lực trong học tập là một phần. Bởi xung quanh các con còn có các hoạt động, mối quan hệ khác như bạn bè, thầy cô, gia đình. Trong đó, những áp lực từ phía bố mẹ, gia đình vẫn là áp lực chính khiến các con có hành vi mang tính kích động”.

PGS.TS Trần Thu Hương có những nghiên cứu về ứng xử của cha mẹ với con cái tuổi teen. Dựa trên các mẫu nghiên cứu, PGS TS Trần Thu Hương chỉ ra, việc cha mẹ kiểm soát con một cách quá chặt như: Con đi chơi với ai? Đến bao giờ con về? Hoặc có những cha mẹ còn kiểm tra những vấn đề riêng tư của con… khiến con tức giận hoặc không muốn chia sẻ. Tiêu cực hơn còn dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, rối loạn tâm thần ở con. Đặc biệt ở nhóm tuổi này có quá nhiều thay đổi trong tâm lý lứa tuổi, hormone về giới và những thách thức của các con phải vượt qua. 

Bên cạnh việc hiểu tâm lý, lứa tuổi thì cha mẹ vẫn cần chăm sóc con có một cơ thể khoẻ mạnh và tinh thần vững vàng để "chiến đấu".

Liên quan đến vấn đề này GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết trên Sức khỏe & Đời sống, áp lực học tập có thể gặp ở mọi cấp học, lứa tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là tuổi vị thành niên - những học sinh đang học 2 và cấp 3. Ở độ tuổi này, khi bố mẹ áp đặt các con phải làm theo ý mình thì trẻ dễ phản ứng lại, thậm chí là phản ứng gay gắt và có thể gây ra hậu quả không lường trước được.

Theo GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú, các nghiên cứu về tâm sinh lý trẻ tuổi học đường đã đi đến kết luận, nếu áp lực học tập ở mức độ vừa phải (nội dung học tập vừa sức trẻ, không có các áp lực thúc đẩy quá sức trẻ...) sẽ giúp trẻ tiếp thu bài nhanh hơn, kết quả học tốt hơn, nhanh thuộc bài hơn. Trong trường hợp ngược lại, có thể sẽ dẫn trẻ đến các căng thẳng quá mức, quá sức chịu đựng của cơ thể (còn gọi là các căng thẳng cực trị và siêu cực trị) sẽ phá hoại tư duy của trẻ, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thần kinh, giảm hoạt động trao đổi chất của cơ thể và đó là nguyên nhân xuất hiện các rối loạn tâm thần, các chứng trầm cảm khác nhau ở trẻ.

Để giáo dục con cái một cách tốt nhất cha mẹ cần hiểu rõ tâm lý lứa tuổi và những vấn đề liên quan là điều quan trọng nhất mà các chuyên gia chỉ ra. Ảnh minh họa.

Dấu hiệu trẻ trầm cảm

GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú cho biết 4 đặc trưng của trầm cảm:

Rối loạn tâm lý theo kiểu ngưng trệ, ủ rũ, không muốn gặp ai, muốn ở một mình;

Ức chế hoạt động, đôi khi bất động, ngồi im, không muốn nhúc nhích chân tay...;

Có những biến đổi sinh lý, xuất hiện việc thừa hoặc thiếu một số chất dẫn truyền thần kinh, mặt mày ủ rũ, biến sắc;

Và điều rất quan trọng cần để ý là, trong một số trường hợp hiếm thấy là có ý muốn tự sát, tự tử.

Bên cạnh đó, TS.BS. Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (BV Nhi Trung ương) khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý đến từng biểu hiện, chi tiết nhỏ của con để có thể nhận ra sớm khi trẻ bị ảnh hưởng, tổn thương tâm lý và tâm thần do áp lực học tập. Theo đó, khi trẻ bị tổn thương tâm lý, rối loạn cảm xúc thường có biểu hiện buồn chán, lo âu, căng thẳng, thất vọng. Có thể xuất hiện tình trạng trẻ tìm lý do để nghỉ học, trốn học hoặc khi học thì không tập trung… Khi đó, nếu bố mẹ không có hướng tiếp cận hợp lý, quát mắng, bắt ép... có thể càng khiến trẻ bị áp lực, trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát hoặc cố ý thực hiện hành vi này.

Để giải quyết được căng thẳng, áp lực tâm lý, học tập cho trẻ, BS. Loan cho rằng, phụ huynh cần thay đổi tư duy và suy nghĩ. Không gây áp lực thành tích học tập cho trẻ, không ép buộc trẻ học theo sự áp đặt của bố mẹ. Tốt nhất để trẻ học tập theo khả năng và sở thích, phụ huynh chỉ định hướng cho trẻ theo từng độ tuổi, cấp học.

Để đồng hành cùng con trên chặng đường dài người lớn nên coi mình là "bạn" của con, luôn dành thời gian lắng nghe con tâm sự, chia sẻ… từ đó mới có thể thấu hiểu, hướng dẫn cho con đi đúng hướng nhất.

Trúc Chi (t/h)