Đời sống

Chuyên gia chỉ ra những món ăn giúp sĩ tử tăng cường trí nhớ, vững tin bước vào mùa thi

Không chỉ giữ cho tinh thần sảng khoái, các sĩ tử cũng phải chú ý tới chế độ dinh dưỡng để có một thi THPT quốc gia 2020 thành công, đạt được điểm số tốt như mong đợi.

Các kỳ thi thường diễn ra vào những ngày hè nóng nực. Vì vậy, tiết trời oi nóng dễ khiến các sĩ tử có cảm giác chán ăn. Đặc biệt, việc phải "thức khuya, dậy sớm" ôn bài cũng khiến nhiều học sinh cảm thấy mệt mỏi. Những yếu tố này có thể dẫn tới sự suy giảm sức khoẻ và gây ảnh hưởng xấu đến quá trình thi của người học.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, trong những ngày hè oi nóng, người học nên ăn các loại thực phẩm được chế biến dưới dạng nhiều nước, giúp dễ tiêu hóa và hấp thu hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh đặc biệt lưu ý không nên cho con ăn các món rán, xào hoặc kho khô, mặn.

Chế độ dinh dưỡng giúp sĩ tử tăng cường trí nhớ, vững tin bước vào phòng thi- Ảnh minh họa

Để bảo đảm sức khoẻ, các sĩ tử nên ăn nhiều bữa trong một ngày. Cụ thể, các em nên có bữa ăn phụ vào mỗi buổi tối. Buổi sáng, sĩ tử nên có bữa ăn chính trong ngày. Dưới đây là những món sĩ tử nên cân nhắc cho vào thực đơn của mình:

Các khoáng chất: Sĩ tử cần bổ sung sắt và iot. Nếu thiếu sắt sẽ gây tình trạng mệt mỏi, học kém tập trung, dễ buồn ngủ trong giờ học.

Chất sắt có nhiều trong gan, rau ngót, các loại rong, tảo và các loại đậu, hoa quả tươi như: Cam, bưởi, táo, đu đủ, dưa hấu.. sẽ giúp các em dễ hấp thu sắt hơn.

Iot cũng là một khoáng chất không thể thiếu. Nếu thiếu iot, não sẽ hoạt động trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu khi học. Iot có nhiều trong cá biển, các loại rong, tảo biển và hải sản.

Tinh bột: Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Tinh bột có nhiều trong cơm, phở, bún, khoai, bánh mì, mì tôm, ngô…

Tinh bột cần cung cấp 60% năng lượng hàng ngày tương đương với 400 gram gạo. Như vậy, một ngày có thể ăn hai bữa cơm, mỗi bữa 2 bát, buổi sáng có thể thay bằng phở, mỳ, bún, bánh mỳ.

Đạm: Đạm chiếm 15% nhu cầu năng lượng của cơ thể. Đạm cung cấp axit-amin để tái tạo tế bào, tạo chất dẫn truyền thần kinh, giúp tăng cường hoạt động trí não.

Đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt. Mỗi ngày cần 80-90g đạm/ngày, để đảm bảo đủ lượng chất đạm này nên cung cấp 200-250 gram thịt cá, đậu phụ và các loại hạt. Cần lưu ý đảm bảo cân đối cả 2 nguồn đạm từ động vật và thực vật.

Vitamin, chất khoáng, chất xơ và chất chống oxi hóa: Nhóm chất này không tạo ra năng lượng nhưng vô cùng cần thiết cho sự sống và các hoạt động của cơ thể, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt. Nếu thiếu một số chất trong nhóm này có thể làm rối loạn hoạt động của cơ thể, dẫn đến bệnh tật. Nhóm này có trong các loại rau, củ, quả. Nên ăn khoảng 400-500gam/ngày.

Sữa chua: Ăn 1 - 2 hộp sữa chua mỗi ngày để cung cấp thêm lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và bảo vệ đường ruột, hệ miễn dịch.

Sữa: Cung cấp nhiều năng lượng, có thể uống một ly sữa cho bữa đêm hoặc các bữa ăn phụ giúp tăng cường năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Hoàng Anh (Tổng Hợp)