Tiêu dùng & Dư luận

Chuyên gia chỉ ra điểm yếu khiến chuỗi nhà hàng Món Huế “đột tử”

Đến thời điểm hiện tại, sự việc công ty Món Huế bất ngờ đóng cửa, lãnh đạo “mất tích” để trốn tránh các nhà cung cấp, đối tác, nhân viên được giới chuyên gia đánh giá là vụ vỡ nợ lớn nhất trong ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống (F&B) trong 10 năm qua.

Những ngày vừa qua, đã có hàng chục nhà cung cấp nguyên liệu gửi đơn tố cáo công ty điều hành chuỗi nhà hàng Món Huế không thanh toán công nợ, ước tính hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều nhân viên của nhà hàng này cũng bị nợ lương, BHXH suốt nhiều tháng qua.

Không chỉ tại TP.HCM, các chi nhánh nhà hàng Món Huế tại TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng cũng đồng loạt đóng cửa. Trong khi đó, trụ sở công ty tại quận 1, TP.HCM không còn nhân viên làm việc. Còn lãnh đạo thì không thể liên lạc được.

Các chi nhánh nhà hàng Món Huế khắp nơi đột ngột đóng cửa.

Trong một động thái bất ngờ, một nhóm các nhà đầu tư lớn của công ty Huy Việt Nam Group Limited, (công ty mẹ của công ty TNHH Nhà hàng Món Huế)... đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện nhà sáng lập doanh nghiệp này là ông Huy Nhật vì chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.

Đơn khởi kiện đã được gửi lên Tòa án nhân dân TP.HCM. Đồng thời, lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài cũng đang được tiến hành.

Các thành viên của nhóm nhà đầu tư này bao gồm tổ chức ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital. Từ năm 2013 đến nay, nhóm này đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào công ty Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.

Đánh giá về sự việc, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân cho rằng, kinh doanh chuỗi chỉ dành cho những thương hiệu có tầm nhìn, có tư duy dài hạn và có cam kết phát triển lâu dài. Nếu doanh nghiệp làm ăn với tâm thế đánh nhanh rút gọn thì thất bại là chuyện sớm muộn.

“Trong kinh doanh chuỗi có 2 kiểu. Một là doanh nghiệp xây dựng chuỗi để kinh doanh, phát triển bền vững. Còn lại là xây dựng thành một sản phẩm để giao dịch tài chính thông qua thu hút đầu tư hoặc bán. Với cách làm thứ hai, doanh nghiệp sẽ xây dựng mô hình, mở nhiều chi nhánh, làm báo cáo tài chính thật “đẹp” để chào mời các quỹ đầu tư rót vốn”, bà Vân chỉ ra.

Theo bà Phi Vân, để quản trị và phát triển một chuỗi bán lẻ là cực kỳ khó. Vì chiến lược này đòi hỏi nền tảng sản phẩm và thương hiệu vững chắc trước khi phát triển cùng với sự đầu tư thời gian, công sức, tâm sức để chuẩn bị nguồn lực. Chính vì thế, những chuỗi hoạt động theo hướng mạo hiểm, muốn “chín nhanh” để bán lại kiếm lời sẽ thường “đột tử”.

Còn một giảng viên đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, doanh thu của công ty không phân biệt đã thu được tiền hay chưa. Cho nên, nhiều trường hợp, nếu bên bán quản lý công nợ không tốt thì trên sổ sách kế toán ghi nhận có doanh thu lớn và nếu lấy doanh thu trừ chi phí thì rõ ràng có lợi nhuận nhưng lại không có tiền.

Nói ở khía cạnh khác, lợi nhuận đang chứa trong nợ phải thu của công ty. Điều này giải thích thực trạng ở nhiều công ty là hoạt động bán hàng tăng trưởng tốt, hợp đồng thậm chí có giá trị lớn. Nhưng nếu không kiểm soát được dòng tiền tương đồng với doanh thu, không quản lý tốt kỳ hạn nợ của khách hàng thì doanh thu tăng (tăng trưởng) cũng không ích gì.