Sự kiện

Chuyên gia chỉ cách dùng kit test nhanh đúng cách, tránh lãng phí

 BS. Trương Hữu Khanh cho rằng người dân không nên lạm dụng kit test nhanh Covid-19.

Tâm lý lo sợ

Hiện nay, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, không ít người dân vì lo lăng nên ngày nào cũng mua kit test nhanh để kiểm tra sức khoẻ dẫn đến tình trạng đẩy giá lên cao, khan hiếm, thậm chí cháy hàng.

Trên mạng xã hội, có nhiều người “khoe” việc test Covid-19 trên trang cá nhân của mình, bày tỏ sự vui mừng vì mình vẫn chưa là F0. Bên cạnh đó, không ít người phàn nàn về việc ngày nào cũng “ngoáy mũi”.

Nhiều người mua que test về để... test thử. 

Anh Ngọc Bảo (Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian gần đây số ca mắc Covid-19 tăng cao, gia đình tôi cũng có người tiếp xúc với F0, vì lo lắng nên tôi đã mua que test về thử cho an tâm”.

Mặc dù làm theo hướng dẫn và cho kết quả âm tính, nhưng anh Ngọc Bảo chia sẻ thêm rằng việc này cũng khiến anh phải tiêu tốn khá nhiều tiền. “Bạn thử tưởng tượng 1 que giá 70-80.000 đồng, mà nhà tôi có 5 người, một buổi sáng tets cho cả nhà đã hết 400.000 đồng. Thấy tốn kém quá tôi có dặn mọi người khi nào có triệu chứng thì mới sử dụng”, anh Bảo cho biết thêm.

Trong khi đó, với tính chất công việc giao hàng, nên anh Tú (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng luôn mang trong mình nỗi lo sợ. Vì thế, cứ sau mỗi ngày đi giao hàng khắp Tp.Hà Nội là anh lại test Covid-19.

“Vì nhà tôi có con nhỏ, ra đường nhiều không biết va phải F0 lúc nào nên cứ trước khi đi làm về tôi kiểm tra cho yên tâm. Nhưng phải công nhận, ngày nào cũng test xót tiền thật sự”, anh Tú tâm sự.

Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp dù không có triệu chứng gì nhưng cứ mua về để test thử do “lỡ” nói chuyện với F0 hoặc tiếp xúc gần F0.

Chuyên gia khuyến cáo

Trước tình hình người dân lạm dụng test nhanh Covid-19, trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Trương Hữu Khanh chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, Tp.HCM cho rằng người dân không nên mua nhiều loại kit test và ngày nào cũng dùng sẽ gây lãng phí.

BS. Trương Hữu Khanh cho rằng người dân không nên ngày nào cũng test Covid-19, gây lãng phí không cần thiết. 

“Khi nào có nguy cơ và có triệu chứng như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…hãy làm test nhanh chứ không có triệu chứng thì không cần thiết phải làm test. Bởi, sau khi tiếp xúc với F0 phải mất khoảng 3-4 ngày sau virus nhân lên khi đó làm test mới có giá trị”, BS. Khanh nêu ý kiến.

Theo BS. Khanh, nếu không có triệu chứng mà vẫn muốn kiểm tra cho chắc chắn, yên tâm thì nên test vào ngày thứ 5 hoặc ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc F0.

Còn đối với F0, BS. Khanh cũng cho biết sau khi điều trị 10-14 ngày thì hãy test lại.

Vị chuyên gia dịch tễ cũng nhấn mạnh: “Kit test là mặt hàng dễ mua, người dân không nên đổ xô đi mua về dự trữ. Khi không may là F0 hoặc F1 có triệu chứng thì khi đó làm test”.

BS. Khanh cũng đưa ra khuyến cáo, dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường nên việc trang bị kiến thức cá nhân để phòng, tránh bệnh là điều cần thiết.

Mỗi cá nhân cần tự trang bị kiến thức cho mình, khi là F0 bình tĩnh làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời thực hiện tốt thông điệp 5K, tránh tập trung đông người…

Ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi

Ngày 24/2, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

Để sẵn sàng và đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, cụ thể:

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế: Chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với Bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, Máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....

Đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Về phía các các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 bất hợp lý.

Kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.