Giáo dục

Chuyên gia: ChatGPT không đe doạ mà đi từ đúng bản chất của giáo dục

Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia giáo dục cho rằng, người thầy cần thích ứng thay đổi để nhanh chóng bắt kịp với xu hướng mới.

Chiều 13/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Tọa đàm có sự sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

ChatGPT không đe doạ giáo dục

Tại toạ đàm, trước lo lắng về làn sóng công nghệ tác động đến giáo dục, TS. Nguyễn Thành Nam - Founder FUNiX cho rằng, điều này xuất phát từ bản chất giáo dục, xu hướng của công nghệ không phải là đe doạ như nhiều người đang lo lắng.

“Đối với tôi sự xuất hiện của ChatGPT như là sự chứng nhận đối với sự phát triển của công nghệ. Mục tiêu cuối cùng của đào tạo là người học tự học được. Muốn làm được điều này quan trọng nhất là đặt câu hỏi. Nhưng từ trước đến nay chúng ta hay có thói quen sợ hỏi, giờ đây lại có phần mềm mình hỏi và có ngay câu trả lời”, chuyên gia bày tỏ quan điểm.

TS. Nguyễn Thành Nam - Founder FUNiX.

TS. Nguyễn Thành Nam cũng nói thêm: “Chúng ta thiết kế hệ thống phân bổ thời gian không chỗ để học sinh đặt câu hỏi. Trước khi có công nghệ, chúng ta sử dụng công cụ là con người bằng cách đi hỏi những người xung quanh. Còn ChatGPT giúp học sinh mạnh dạn hỏi thầy hơn, hỏi xuất phát từ nhu cầu cá nhân”.

Cùng với đó, chuyên gia cũng khẳng định rằng "ứng dụng này không đe doạ giáo dục, mà đi từ đúng từ bản chất của giáo dục".

Cùng bày tỏ quan điểm, PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhìn nhận, công nghệ có quá trình phát triển dài, hằng năm sẽ có công nghệ mới đến thời điểm nào đó đủ các điều kiện sẽ ra sản phẩm.

Tôi nghĩ ChatGPT chỉ là công nghệ demo cho những công nghệ AI, mô hình xử lý ngôn ngữ lớn, đấy là tương lai của sự phát triển. Chúng ta sẽ còn bất ngờ nữa với những kết quả nghiên cứu trong tương lai”, ông Tùng đánh giá.

PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội).

Đưa ra lời khuyên, ông Tùng cho rằng, nên coi ChatGPT là thành tựu và lần đầu tiên người dùng đại chúng được trải nghiệm. Điều này để thấy được năng lực của trí tuệ nhận tạo không phải quá xa xôi, song ông Tùng cho rằng, không nên kỳ vọng công nghệ sẽ thay thế con người.

Đây đơn giản chỉ là mô hình dự đoán, chúng ta tiếp cận vừa phải và coi nó là công cụ, cần giữ thái độ ủng hộ cái mới”, ông nói và cho rằng, đưa công nghệ vào giảng dạy để hiểu học sinh, sinh viên của mình hơn. “Đó là bước đầu tiên chúng ta đưa ra một nền giáo dục tốt”, ông Sơn bày tỏ.

Vị Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông cũng cho rằng, việc cấm sử dụng ChatGPT là bảo thủ vì trình độ học sinh, sinh viên viết bài luận tương đối thấp, trình độ viết càng ngày kém.

Nếu dùng ChatGPT là điểm khởi đầu, tất cả sẽ nâng lên được điểm 5. Thầy cô thay vì tranh cãi đoạn văn do người hay ChatGPT viết, thì nên thảo luận làm sao bài luận từ 5 điểm đưa thêm ý tưởng sáng tạo của con người để nâng số điểm”, ông Tùng đưa ra gợi ý.

Làm chủ tác động của công nghệ mới

Chia sẻ cụ thể về ChatGPT, ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam nói rằng "ChatGPT là phiên bản thể hiện thành công của ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khác các sản phẩm khác trước đây ở tính phổ cập, tiếp cận và học hỏi mang màu sắc ngôn ngữ”.

Theo đó, biểu hiện thành công của trí tuệ nhân tạo thể hiện ở ChatGPT - mà đằng sau nó là hàng loạt những công nghệ đã ra đời trước đó. Đây là sự khuyến khích vô cùng thuận lợi cho công nghệ được xã hội hoá, phát triển ở trình độ cao hơn.

Ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện Microsoft Việt Nam nhấn mạnh, cần làm chủ công nghệ mới, đặc biệt là làm chủ những tác động mà nó đem lại trong quá trình dạy và học... "Làm chủ công nghệ có thể hiểu là cần sử dụng công nghệ có trách nhiệm, có kiểm soát và nếu coi Chat GPT là trợ lý thì không cần lo lắng bị nó đe doạ", ông Thắng nói.

Trước đó, khi phát biểu khai mạc tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói rằng, chúng ta chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ, lúc đầu rất nhiều người lo lắng, từ sự ra đời của radio, tivi, camera, công nghệ dạy học trực tuyến.

“Nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn. Cuối cùng chúng ta đều thấy, tất cả những công nghệ đó ra đời đều giúp cho, không chỉ ngành giáo dục, mà đặc biệt ngành giáo dục đều có những bước tiến lớn. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng, chắc chắn trong chúng ta đây ai cũng có trải nghiệm ở mức độ khác nhau, nhất định, và đều có tâm lý hào hứng với công cụ này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.