Sức khỏe

Chuyên gia cảnh báo dùng "sung dược" mối chúa dễ "rước họa vào thân"

Mối chúa sống ở dưới đất được xem là “thần dược” giúp tăng cường sinh lực, tốt cho sức khỏe có giá đắt, song mối không phải là thực phẩm an toàn.

Săn lùng mối chúa vì nghĩ là "sung dược"

Mối chúa là loại côn trùng có màu trắng đục, to bằng ngón tay cái, dài khoảng 30-35mm, đầu nhỏ, bụng to, nhìn trông giống như một con sâu đất “khủng”. Ấy vậy, loại côn trùng này rất đắt khách mỗi khi đến mùa, được chị em, quý ông săn lùng, trở thành mặt hàng hiếm trên thị trường bởi không phải lúc nào cũng có.

Là người đã sử dụng mối chúa, anh Trần Thanh Hùng (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong một lần nhậu cùng bạn, anh được biết mối chúa ngâm rượu rất tốt cho sinh lý nam, thậm chí còn được coi là "sung dược" nên anh cố gắng tìm mua. Song để tìm mua được mối chúa tươi hoặc rượu ngâm mối chúa đúng chuẩn cũng không phải là dễ.

Theo tìm hiểu của anh Hùng, mối chúa loại nhỏ có giá 25.000 - 300.000/con, loại dài hơn 10cm có thể bán với giá tới 700.000 đồng. Mối chúa thường được bán vào các nhà hàng, chế biến theo nhiều cách, từ nướng, chiên, hấp, tới salad sống, trở thành món đặc sản được nhiều nam giới ưa thích.

Chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống GS. Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, từ lâu mối được sử dụng làm thực phẩm như một trào lưu mới. Tuy vậy, mối có thực sự bổ dưỡng không thì chưa thể chứng minh được. Nhiều người cho rằng mối chúa ngâm rượu là "thần dược" cho sinh lý nam, rồi lùng sục tìm mua. Thực ra cho đến nay, không ai dám khẳng định mối chúa có tác dụng ấy, có chăng chỉ là những kiến thức truyền miệng.

Những loài côn trùng được cho là có tác dụng tráng dương, bổ thận cũng rất nhiều. Ban đầu từ lúc ăn vì lạ, ăn cho vui, dần dần côn trùng được săn lùng vì những tác dụng thần kỳ này.

Cũng theo GS. Bùi Công Hiển, trong các tài liệu y học cổ truyền, đúng là mối chúa có công dụng sinh tinh, cường lực, bổ dưỡng do mối chứa nhiều đạm giúp mạnh về sinh lý. Tuy vậy, các con vật chứa nhiều đạm càng dễ bị phân hủy, sinh ra độc tố, đặc biệt là khi chế biến không kỹ hoặc để quá lâu sau khi chế biến. Ngay cả việc ngâm rượu mối chúa để uống, không cẩn thận, dễ rước họa.

Thực hư về chuyện người dân đồn mối chúa là “sung dược”, GS. Bùi Công Hiển cho hay, không nên mù quáng nghe theo những lời đồn thổi về tác dụng của mối mà bỏ số tiền lớn ra mua về. Vì dù côn trùng có bổ thì cũng phải biết dùng đúng cách. Ở góc độ nào đó thì con mối là lành tính, có chứa thành phần dinh dưỡng. Tuy vậy cũng không nên coi nó là thần dược bổ dưỡng. 

Mối là côn trùng chứa nhiều ký sinh trùng, nấm mốc nên rất nguy hiểm khi sử dụng làm thực phẩm.

Người dân săn lùng "sung dược" có kiếm ra tiền?

Chính việc mối chúa được mệnh danh là “sung dược” nên rất nhiều người trên địa bàn huyện Chư Păh đã đi săn lùng và đem về bán. Một con mối chúa được bán với giá 30.000 đồng. Dù tương đối cao nhưng có rất nhiều người đặt mua.

Trước đó những ngày giáp Tết, rất nhiều người dân đồng bào Ja Rai ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đi săn lùng mối chúa về bán thu lãi cao.

Theo báo Dân Việt, vào cuối năm 2009, ông Ksor Chú (trú tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Păh) bắt được 10 con mối chúa, lợi nhuận thu về khoảng 300 nghìn đồng. Ông Ksor Chú cho biết, có rất nhiều người đến đặt mua chủ yếu về ngâm rượu uống. Cũng có người mua về rồi cuộn lá chuối nướng lên cho con nhỏ ốm yếu ăn.

Khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng trồng và hệ sinh thái khu vực

Theo bà Nguyễn Thị Tuyên, Thạc sĩ Khoa Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên từng chia sẻ với VnExpress mối giúp cân bằng hệ sinh thái, làm tăng đa dạng sinh học, nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến rừng trồng. Nhiều khu rừng bị những tổ mối tàn phá nặng nề, nên việc người dân đi bắt mối chúa là giúp bảo vệ rừng. Song, khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng trồng và hệ sinh thái khu vực.

"Hiện chưa có quy định nào về cấm khai thác mối chúa. Tuy vậy, việc người dân vùng núi đổ xô đi đào bắt là tận diệt, không nên. Cần khai thác hợp lý, có chọn lọc để vừa cân bằng được hệ sinh thái, vừa giảm được nguy cơ phá hoại rừng của mối", bà Tuyên cho hay.

Trúc Chi (t/h)