Tài chính - Ngân hàng

Chuyển đổi số ngân hàng: Tiền không phải yếu tố quyết định

“Điều quyết định sự thành công của chuyển đổi số ngân hàng không phải là vấn đề tài chính mà phụ thuộc vào yếu tố con người, cụ thể là người lãnh đạo ngân hàng”.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Tổng giám đốc VCCorp, nhà sáng lập Bizfly tại buổi talkshow “Phát triển ngân hàng số, mô hình và giải pháp”.

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 không chỉ đem lại những khó khăn đối với ngành ngân hàng mà còn là lực đẩy giúp các ngân hàng nhanh chóng bước vào “cuộc đua” chuyển đổi số.

Sự phát triển của dịch vụ trên nền tảng công nghệ số có thể giúp các ngân hàng đổi mới toàn diện, từ quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, đổi mới hệ thống kênh phân phối đến mở rộng danh mục sản phẩm một cách rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn. 

Tại Việt Nam, hầu hết ngân hàng đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số, nghĩa là tích hợp nhiều quy trình số khác nhau để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm có tính cá thể hóa.

Số liệu từ BAV cho thấy, 94% các ngân hàng ở Việt Nam đang đầu tư vào việc số hoá, trong đó 42% ngân hàng thương mại coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh. Từ đó có thể thấy cơ hội chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại đang mở rộng.

Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những cơ hội thì quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần những giải pháp cụ thể để tháo gỡ.

Bàn về những khó khăn của ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó tổng giám đốc VCCorp cho biết, khó khăn lớn nhất của các ngân hàng không phải về mặt tài chính. Điều quyết định chuyển đổi số thành công hay không chủ yếu phụ thuộc vào nhà lãnh đạo. Theo ông, người lãnh đạo phải có tầm nhìn, trình độ kỹ thuật số, có quyết tâm và chiến lược để biến tầm nhìn thành hiện thực.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc phụ trách Quan hệ đối tác chiến lược, Ngân hàng số Timo cho biết, ngoài việc đưa ra những sản phẩm dịch vụ tài chính hoàn hảo và cập nhật, các ngân hàng cần phải thật sự am hiểu thị trường, nhu cầu mong đợi của khách hàng. Quan trọng hơn cả là xác định được những vấn đề, khó khăn mà họ gặp phải trong giao dịch.

Bên cạnh đó, ông cho biết, một số quy định pháp lý cũng tạo rào cản cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số. Đơn cử như một số quy định pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, quy trình nghiệp vụ với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng. Vì vậy, theo ông, để quá trình phát triển ngân hàng số diễn ra nhanh chóng thì cần có sự cởi mở hơn của cơ chế.

Là một người dày dặn kinh nghiệm trong việc xây dựng ngân hàng số và fintech, ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam - nêu quan điểm: Dịch vụ ngân hàng đã thay đổi liên tục trong vài năm trở lại đây, tại châu Á kỳ vọng của khách hàng về dịch vụ ngân hàng di động và trực tuyến tăng cao thay thế các dịch vụ truyền thống là động lực thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ tài chính chuyển đổi số mang lại những trải nghiệm ngân hàng mới.

Để hiện thực mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, đây là thời điểm phù hợp không chỉ nói về dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi và hướng tới ngân hàng thông minh với những trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng.

Đồng quan điểm này, theo ông Phan Việt Hải - Giám đốc Công nghệ thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Bản Việt - Viet Capital Bank, ngân hàng số phải tạo được trải nghiệm khách hàng vượt trội thông qua quá trình xây dựng lại cách thức cung cấp và vận hành dịch vụ trên nền tàng công nghệ hiện đại.

Điều này cho thấy rằng việc gia tăng trải nghiệm khách hàng giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng số hiện nay tại Việt Nam.