Văn hoá

Chuyển đổi đất ruộng làm dự án du lịch tâm linh: Tránh lạm dụng, trục lợi “núp bóng” phát triển

Đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình về việc chuyển mục đích sử dụng 47,67ha đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy khiến dư luận lo ngại về những kẽ hở có thể dẫn đến biến tướng, lợi dụng danh nghĩa phát triển kinh tế để trục lợi của một số cá nhân, tổ chức.

Theo Tờ trình của UBND tỉnh Hòa Bình do Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh ký, địa phương này đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng 47,67ha đất trồng lúa năm 2019 để thực hiện dự án do công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng gồm các hạng mục chính như: Khu dịch vụ đón tiếp, khu dịch vụ cáp treo, khu công viên Nguồn cội, Công viên Việt Nam quê hương tôi, Công viên chủ đề vui chơi giải trí, khu nhà ở Hoa Sen, khu nhà ở Làng quê Việt, khu dịch vụ mặt nước sinh thái...

Đề xuất của tỉnh Hoà Bình ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, không chỉ bởi quy mô hoành tráng của dự án tại một huyện nghèo của địa phương mà việc chuyển đổi diện tích lớn đất trồng lúa là điều khiến cơ quan chức năng cần đánh giá thận trọng.

Nên hay không nên làm dự án du lịch tâm linh?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển, học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: “Thực tế hiện nay đang có một hội chứng “kinh doanh” chùa chiền dưới danh nghĩa là phát triển khu du lịch tâm linh. Thời gian qua, chúng ta đã biết đến hội chứng đó qua rất nhiều ngôi chùa lớn.

Ở Hòa Bình, chùa Tiên (huyện Lạc Thủy) cũng là một ngôi chùa thiêng có nhiều người thăm viếng. Tuy nhiên, nếu những cá nhân, tổ chức muốn thực hiện dự án phải chứng minh được nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương, của nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo thực hiện đúng pháp luật của nhà nước, không phải “núp bóng” xây dựng khu du lịch sinh thái - tâm linh, để rồi làm thất thoát tài sản của địa phương, của đất nước, chẳng hạn như ruộng đất”.

Di tích chùa Tiên tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy. (Ảnh: Báo Hòa Bình).

PGS.TS Lê Quý Đức cũng chỉ ra: “Có những nơi người ta xây dựng những khu du lịch sinh thái - tâm linh lớn, địa phương bỏ ra hàng nghìn ha ruộng đất, nhưng việc đấu thầu, sử dụng, nộp thuế,… không được công khai minh bạch, khiến dư luận rất thắc mắc.

Chính vì vậy, tôi cho rằng phải cân nhắc tất cả các yếu tố đó thật kỹ lưỡng. Không thể nói ủng hộ hay phản đối việc xây dựng các khu du lịch sinh thái - tâm linh, tuy nhiên, phải làm đúng, nếu không rất dễ biến tướng, trục lợi".

PGS.TS Lê Quý Đức e ngại sự cấu kết của ba nhà: nhà quản lý - nhà doanh nghiệp - nhà tu hành trong việc xây dựng các dự án tâm linh

PGS.TS Phạm Ngọc Trung lo ngại những biến tướng đi chệch hướng của những khu du lịch sinh thái - tâm linh.

Trái với những lo lắng của PGS.TS Lê Quý Đức, dưới góc độ văn hoá, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học, học viện Báo chí & Tuyên truyền bày tỏ: “Theo tôi, nếu diện tích đất được chuyển đổi một cách đúng đắn để phục vụ dân sinh, phục vụ đất nước thì rất tốt.

Tuy nhiên, hiện nay, thường có hiện tượng, lúc xin thì làm đúng các tiêu chuẩn, điều kiện, nhưng khi thực hiện thì họ thường điều chỉnh chệch hướng đi, do quá trình quản lý không chặt, hậu kiểm không sát sao, để lại nhiều kẽ hở".

“Vì vậy, theo tôi phải làm thật chặt, từ khâu giấy tờ xin phép, đến thực hiện, hậu kiểm. Thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng việc sử dụng quỹ đất để phát triển, nhưng mục đích lại xây dựng biệt phủ hay những khu du lịch để thu tiền nhân dân, không đúng với chủ trương, đường lối của Nhà nước.

Phải ràng buộc trách nhiệm của các cấp, cấp nào quyết định, cho phép, cấp nào thực hiện, sau này dễ dàng đối chiếu, đừng để hàng chục năm sau, quá nhiều sai phạm, mới lục lại, kỷ luật “đuổi theo”, bất đắc dĩ, không có tính chất ngăn chặn, chỉ “trấn an lòng dân”, chứ hậu quả thì đã rồi…”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung phân tích.

Chuyển đổi gần 48ha đất ruộng cần phải cẩn trọng

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tối 2/10 vừa qua, khi được hỏi về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng sang làm du lịch tâm linh ở Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10 ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng, những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương.

“Ngày 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1267 chuyển đến bộ Tài nguyên & Môi trường, bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xem xét. Dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét. Báo chí đưa thông tin như vậy rất tốt vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác là việc được quy định rất nghiêm ngặt”, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.

Về lo ngại của dư luận liên quan đến đề xuất chuyển đổi gần 48ha đất ruộng phục vụ cho dự án, PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng, Phó Trưởng khoa Kinh tế & Phát triển Nông thôn, học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích: “Hiện nay, Chính phủ vẫn cố gắng duy trì tổng diện tích 3,8 triệu ha đất trồng lúa, nếu chuyển đổi một diện tích nhỏ sẽ không đáng kể.

Tuy nhiên, hiệu quả đất trồng lúa hiện nay cũng tương đối thấp, vì vậy, cần tính toán vấn đề an ninh lương thực ở mức độ nào, cần duy trì ở đâu. Bên cạnh đó, cũng phải dựa trên tính toán, đánh giá hiệu quả kinh tế của mỗi dự án mang lại, nếu có thể mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho địa phương thì cũng đáng hoan nghênh”.

Trái với đánh giá "ảnh hưởng không đáng kể" của ông Dũng, ĐBQH Trần Văn Lâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang lại cho rằng: “Đất đai là nguồn lực vô cùng quan trọng, quý giá cho sự phát triển của mỗi đất nước, địa phương. Tuy nhiên, đất là tài nguyên không tái tạo; số lượng ngày càng hạn chế. Do vậy việc khai thác, sử dụng phải đặc biệt thận trọng, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cho phát triển bền vững.

Chính vì vậy Luật Đất đai hiện nay quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai. Trong đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả thời kỳ cũng như của từng năm ở phạm vi cả quốc gia cũng như ở mỗi địa phương tỉnh, huyện.

Việc quyết định quy mô chuyển đổi cũng đã được phân quyền rõ ràng. Yêu cầu nghiêm ngặt này cũng là để bảo vệ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực”.

 

Gốc rễ vấn đề vẫn nằm ở quy hoạch

ĐBQH Trần Văn Lâm phân tích: “Chúng ta đã có quy hoạch tổng thể quốc gia về sử dụng đất đai, trong đó đặt ra các yêu cầu rất khắt khe việc bảo vệ đất lúa, đất nông nghiệp và cả đất rừng. Nếu việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng nằm trong quy hoạch, kế hoạch đã tính toán thì sẽ không có quan ngại tác động xấu tới an ninh lương thực.

Thực tế hiện nay ở nhiều nơi trồng lúa không hiệu quả bằng một số cây trồng khác. Do vậy việc cân nhắc giữ diện tích đất lúa ở mức nào, chỗ nào, còn chỗ nào cần chuyển đổi mục đích sản xuất nông nghiệp khác cũng đang là đòi hỏi đặt ra để sử dụng hiệu quả nhất đất đai.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xây dựng quy hoạch, kế hoạch không tốt; phá vỡ các quy hoạch, kế hoạch đặt ra, chạy theo để triển khai dự án phi nông nghiệp của doanh nghiệp, thì lại là nguy cơ rất lớn đối với vấn đề an ninh lương thực, vì đất nông nghiệp sau chuyển đổi mục đích sử dụng thì rất khó phục hồi trở lại thành đất nông nghiệp”.