Dân sinh

Chuyện đời của những người nửa thế kỷ chinh phục biển cả

Trong xu thế “du lịch hóa” ở phố biển Sầm Sơn, vẫn còn sót lại những ngư dân vẫn ngày đêm miệt mài chài lưới. Với họ, biển là nhà, là nguồn sống.

Biển là nhà, là nguồn sống

Làng Quảng Đại, giờ là xã Quảng Đại, Tp.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, thanh niên trai tráng tại ngôi làng này bao đời nay đều gắn liền với nghiệp chinh phục biển cả. Với họ, biển là tình yêu, là nguồn sống đã nuôi nấng bao gia đình và thế hệ người dân nơi đây.

“Ở đây thanh niên tuổi như tôi ai cũng đều đi biển, tôi vẫn nhớ như in ngày lên 12 tuổi, được bố và ông nội bắt đầu tập cho đi giúp việc vặt trên thuyền. Mất 3 ngày đầu không nuốt được miếng cháo loãng do say sóng, sau đó tôi dần quen và đi biển tới tận bây giờ”, ngư dân Nguyễn Bá Hồng, đã có hơn 50 năm lênh đênh trên biển hồi tưởng.

Phương tiện đi biển của ông Hồng và người dân nơi đây tương đối đơn sơ. Chiếc bè - phương tiện đi biển của ông, được ghép lại từ những cây luồng to dài, loại cây rất sẵn ở vùng đất xứ Thanh. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, trước khi được dùng ghép bè, những cây luồng này sẽ được ngâm kỹ trong bùn khoảng một năm ròng để chống mối mọt, thêm phần dẻo dai rồi mới đem sử dụng.

“Người dân trong làng chúng tôi vẫn thường giúp nhau làm bè, trước thì đơn sơ hơn, nay thì có thêm lớp xốp ở giữa giúp nổi tốt hơn. Tuy vậy, trên mỗi bè thường cũng chỉ có 2 người đi, nhưng dạo này bí người nên tôi vẫn thường đi một mình”, ông Hồng cho biết.

Nghe dễ vậy, chứ nghề bè, ít ai có thể đi được một mình như ông Hồng, bởi lẽ, khi ra tới biển, có muôn vàn khó khăn chờ đón. Ngoài chống chọi với những cơn giông tố bất ngờ, những con sóng dữ, ngư dân vừa phải tự chỉnh tay lái cho bè đi men theo đúng hướng sóng, đồng thời với việc rải lưới sao cho khéo, để không bị rối tung lên...   

Tuy vậy, phần vất vả nhất phải là lúc thu những “cheo lưới” dài tới cả nghìn mét lên thuyền. Tréo ngoe thay, những lúc cá đóng lưới nhiều lại là lúc người ngư dân vất vả nhưng cũng vui sướng nhất. Khi này, để đưa được cá lên thuyền, ngư dân vừa phải chịu sức nặng của cá, của nước quện vào, vừa phải chiến thắng được sức kéo của những dòng chảy ngoài khơi để thu được chiến lợi phẩm mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Vì vậy, ở cái làng Quảng Đại này, không phải ai cũng có đủ sức khỏe, sự dẻo dai để đảm đương một mình công việc này.

“Ông Hồng đi biển từ bé và thuộc dạng cừ khôi ở đây rồi, chỉ ông ấy mới dám chinh chiến một mình một bè vậy thôi. Thời trẻ, ông ấy còn thường xuyên vô địch môn vật ở vùng này”, ông Nguyễn Bá Lành, bạn nghề, thi thoảng vẫn “nhảy thuyền” đi cùng với ông Hồng cho hay.

Bè mảng của ngư dân Sầm Sơn trong một ngày trúng đậm cá.

Vất vả là vậy, tuy nhiên, nghề biển đối với những ngư dân ở đây là nghề “dứt ngày hết tiền”. Mỗi chuyến đi, nếu thuận lợi ngư dân sẽ thu được từ 1-2 triệu tiền bán hải sản, nhưng kéo theo đó cũng đủ thứ chi phí và điều kiện tự nhiên phát sinh.

“Ngoài tiền dầu, cứ đôi tháng máy lại hỏng, rồi lưới rách phải thay, mỗi lần phải tiền triệu, rồi tới ngày biển động xen kẽ những ngày ‘biển không có cá’, nói chung là bấp bênh lắm”, ông Hồng bộc bạch.

Có lẽ cũng chính bởi nghề biển khó khăn, vất vả nên khi ngành du lịch bắt đầu mở mang, nở rộ trên vùng đất này, nhiều thanh niên hoặc những ngư dân kỳ cựu đã dần đổi nghề khác để mưu sinh.

Ví như trường hợp của ông Lành, bạn nghề vẫn thường cùng đi với ông Hồng xưa nay, giờ cũng đã chuyển nghề “khô” là nghề thợ xây, theo ông Lành, dù sao nó vẫn nhàn, an toàn và ổn định hơn nghề biển ông đã gắn bó từ nhiều năm nay.

“Không phải mình tôi, bây giờ còn mấy ai đi biển nữa đâu. Nghề này nhìn vậy nhưng ra biển là phó mặc tính mạng bản thân cho sóng to gió lớn. Tôi thì sức khỏe yếu, nên lên làm nghề “khô”, chỉ thi thoảng không có việc tôi mới tranh thủ đi phụ với ông ấy”, ông Lành cho hay.

Trở lại với câu chuyện ông Hồng chia sẻ, tuy nghề biển khó khăn vất vả như vậy, nhưng trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều người khác trong làng lại tìm về với biển, với nghề cũ để mưu sinh khi mà các công việc khác bị đình trệ do Covid-19. Và biển, như bao đời nay lại dang rộng vòng tay để chào đón, nuôi sống người dân nơi đây.

“Nói vậy chứ, đợt rồi dịch Covid-19 bùng phát, bà con lại đua nhau đóng bè, sắm nghề đi biển, nhiều người lại về xin đi với tôi. Nhưng tôi biết, khi hết dịch, đến mùa du lịch họ lại nghỉ đi biển thôi”, ông Hồng nhấp ngụm nước chè đặc chia sẻ.

“Lạc lõng” trong xu thế của thời cuộc

Theo tìm hiều, hiện gia đình ông Hồng đang sinh sống trên khu đất với diện tích hơn 1.000m2 sát bờ biển của Tp.Sầm Sơn. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của vùng đất này, hiện, khu đất của gia đình ông Hồng có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ông Hồng cho biết, có nhiều người hỏi mua đất, tuy nhiên, ông cho rằng mình đã già rồi và chả tiêu gì, trong khi đó, ông vẫn đi biển hàng ngày, vẫn kiếm được đồng ra đồng vào. Vậy nhưng, ông cũng thấy được việc dịch chuyển ở vùng đất này là xu thế tất yếu không thể đổi khác.

“Có lẽ sắp tới tôi cũng phải bán bớt ít đất, rồi cho con cái lấy vốn làm ăn, giờ chúng nó cũng muốn lên “khô” hết cả, chẳng đứa nào theo nghề của tôi nữa”, ông Hồng bùi ngùi nói.

Không chỉ gia đình ông Hồng, cả làng chài ven biển này dường như đang nóng lên từng ngày theo giá đất, giờ thanh niên mới lớn trong làng đều ít ai theo nghề cha ông nữa. Hàng xóm của ông cũng đã nhiều người bán đất, bán thuyền ôm cả tỷ tiền gửi ngân hàng lấy lãi. Bởi lẽ, như ông Hồng, ngoài nghề biển họ cũng không biết phải làm gì hoặc chưa kịp chuẩn bị khi có một lượng tiền lớn “bất chợt” đổ xuống tay họ.

“Nhà tôi có một thằng con trai, thấy nó bảo theo chúng bạn đi làm bán hàng gì đó ngoài trung tâm thành phố Sầm Sơn. Tôi chỉ sợ theo bạn hư, rồi sa đà vào các tệ nạn xã hội là hỏng hết”- ông Hồng tỏ vẻ lo lắng.

Phía sau những bè mảng của ngư sân là những khách sạn cao tầng đang chen nhau mọc lên tại phố biển Sầm Sơn. 

Dẫu biết, xu thế phát triển của thời đại là khó tránh khỏi. Nhưng những trăn trở của ông Hồng có lẽ là chính đáng, khi mà chúng ta có thể đã bắt gặp đâu đó, tại nhiều vùng đất mới khai phá, có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng luôn đi kèm với sự xuất hiện của những tệ nạn.  

Mặc dù vậy, theo ông Hồng thì mới đây trên khuôn viên khu đất rộng 1.000 mét vuông, nằm sát bờ biển của gia đình ông, đã bắt đầu manh nha những điểm sáng, có thể góp phần lưu giữ giá trị truyền thống, kết hợp phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

“Cách đây 5 năm, có mấy thanh niên trẻ tuổi tìm về đây với ý tưởng thuê đất làm xưởng sản xuất nước mắm truyền thống, sau một hồi nói chuyện thấy tâm đắc, tôi đã đồng ý ngay. Từ khi xưởng hoạt động, cá bà con đánh bắt về được họ thu mua luôn tại bến và cũng được giá hơn. Nghe bảo đợt rồi, nước mắm của họ đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa, tôi cũng thấy vui mừng thay”, ông Hồng chia sẻ.

Chia tay người ông Hồng, tôi bất chợt liên tưởng tới tác phẩm “Người cuối cùng của bộ tộc Mohican” của một nhà văn Mỹ, trong đó hình ảnh những người da đỏ cuối cùng của bộ tộc Mohican với tính cách dữ dội nhưng chất phác, trung thực và trọng nhân phẩm song cũng có lúc lạc lõng trước sự “các yếu tố bên ngoài” trên chính vùng đất của họ.

Việt Phương