Hồ sơ

4 lần thiện chí gia nhập NATO của Nga nhằm "chấm dứt thù địch" nhưng không thành

Lần cuối cùng Nga có ý định gia nhập NATO của Nga là dưới thời Tổng thống Putin vào năm 2002. Từ đó đến nay, Moscow chưa bao giờ muốn quay trở lại với ý tưởng này.

Nga đã nhiều lần bày tỏ ý định tham gia vào NATO.

NATO vừa kỷ niệm 70 năm thành lập vào ngày 4/4/2019. Chính xác là 70 năm trước, 12 đồng minh sáng lập đã gặp nhau để ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vào năm 1949.

"Hết lần này đến lần khác, Châu Âu và Bắc Mỹ đã cùng nhau phục vụ dưới cùng một lá cờ. Vì cùng một lý do hướng tới tự do và dân chủ. Răn đe Liên Xô. Mang lại sự ổn định cho Tây Balkan. Chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan. Thay đổi thế giới vốn đang thay đổi quanh chúng ta", Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói vào ngày 3/4 trước buổi lễ kỷ niệm 70 năm NATO tại Washington.

Mặc dù người ta tin rằng khối quân sự này được tạo ra để chống lại Liên Xô và sau đó là Nga, nhưng sự thật của vấn đề là Moscow đã nhiều lần muốn trở thành thành viên trong liên minh để tìm cách chấm dứt chiến sự một lần và mãi mãi, phá vỡ thế bế tắc của Chiến tranh Lạnh.

Theo Sputnik, từng có 4 lần Liên Xô - và sau này là Nga – thể hiện rằng họ đã sẵn sàng trở thành người “cùng hội cùng thuyền” với khối quân sự phương Tây.

1954: Kế hoạch tham gia NATO của Molotov

Sự hình thành của NATO vào năm 1949 được bắt đầu bởi bài phát biểu của Winston Churchill vào ngày 5/3/1946, đánh dấu sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, vào tháng 2/1954, Liên Xô đã đề nghị các đồng minh cũ trong Thế chiến II ký hiệp ước an ninh tập thể châu Âu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Berlin. Thỏa thuận dự kiến ​​củng cố các nguyên tắc chính của liên minh chống Hitler trước đây, bao gồm Mỹ, Pháp và Vương quốc Anh.

Khi đề xuất này bị các cường quốc phương Tây từ bỏ, Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov đã nảy ra ý tưởng gia nhập NATO. Thời điểm đó, ông Molotov không hề coi đây là một điều quá ảo tưởng.

Theo Ngoại trưởng Liên Xô, một câu trả lời tích cực sẽ làm tan biến căng thẳng quốc tế, trong khi việc từ chối gia nhập sẽ thể hiện thái độ thực sự của liên minh đối với Liên Xô như thế nào.

Vào ngày 31/3/1954, bộ Ngoại giao Liên Xô đã gửi yêu cầu trở thành thành viên NATO với điều kiện liên minh sẽ giữ thái độ trung lập.

Vào ngày 7/5/1954, Mỹ, Anh và Pháp từ chối đề xuất của Liên Xô với lý do tư cách thành viên của Liên Xô sẽ "không tương thích" với "mục tiêu dân chủ và bảo vệ" của khối quân sự.

1983: Cuộc thảo luận về NATO của Andropov và chuyến bay 007

Nỗ lực tiếp theo để gia nhập NATO đã được lãnh đạo Liên Xô dưới quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Yuriy Andropov đưa ra vào đầu năm 1983. Nói với bộ Chính trị, ủy ban hoạch định chính sách của đảng Cộng sản Liên Xô, ông Andropov muốn tiến hành bước đi này với lý do quan hệ ngày càng tồi tệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong bối cảnh Chiến tranh Liên Xô-Afghanistan (1979-1989) .

Nỗ lực này cũng đã thất bại, vì nó đến đúng vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn máy bay 007 của Korean Air Lines vào ngày 1/9/1983 trên lãnh thổ Liên Xô. Những tranh cãi bắt đầu nổ ra. 

NATO đã vội vã đổ lỗi cho sự cố ở Liên Xô, khởi động một cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn có tên mã Able Archer 83 vào ngày 7/11/1983. Cuộc tập trận có sự tham gia của lực lượng NATO trên khắp Tây Âu và kéo dài trong 5 ngày, khiến Warsaw phải lo lắng. Các nước hiệp ước đã sẵn sàng kho vũ khí hạt nhân và đặt các đơn vị không quân trong tình trạng cảnh báo.

1991: Tư cách thành viên của Nga trong NATO

Chính xác vào ngày Liên Xô kết thúc sự tồn tại, Moscow lại một lần nữa lên tiếng về ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Ngày 21/12/1991, tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Nga Boris N. Yeltsin "đã viết thư cho NATO nói rằng Nga hy vọng sẽ gia nhập liên minh vào thời điểm nào đó trong tương lai". Tờ báo trích dẫn lá thư của ông Yeltsin, được đọc tại trụ sở của liên minh bởi Đại sứ Bỉ Nikolai N. Afanasyevsky.

"Điều này sẽ góp phần tạo ra bầu không khí hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, tăng cường sự ổn định và hợp tác trên lục địa châu Âu", Tổng thống Yeltsin viết. "Chúng tôi coi các mối quan hệ này là rất nghiêm túc và mong muốn phát triển cuộc đối thoại này theo mọi hướng, cả về cấp độ chính trị và quân sự. Hôm nay chúng tôi đang đặt ra một câu hỏi về tư cách thành viên của Nga trong NATO, như một mục đích chính trị lâu dài".

Tuy nhiên, yêu cầu của Moscow đã không được đáp ứng. Thay vào đó, NATO đề nghị Nga tham gia Hiệp định Đối tác vì hòa bình (PfP) của khối vào năm 1994.

Tổng thống Putin đã từng dẫn đầu các nỗ lực gia nhập NATO của Nga.

Vào ngày 27/5/1997, các nhà lãnh đạo NATO và Moscow đã ký kết Đạo luật Sáng lập NATO-Nga, nhằm "xây dựng một nền hòa bình lâu dài và toàn diện ở khu vực Euro-Atlantic dựa trên các nguyên tắc dân chủ và hợp tác an ninh".

Cùng năm đó, các đồng minh cũ của Liên Xô - Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc - đã được mời vào NATO tại hội nghị thượng đỉnh Madrid tháng 7/1997, mở ra cánh cửa cho sự mở rộng ảnh hưởng của khối tới biên giới Nga.

2002: Hội đồng NATO-Nga

Lần cuối cùng Điện Kremlin cân nhắc gia nhập NATO là vào năm 2002, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Sau vụ đánh bom Nam Tư của NATO vào năm 1999 , quan hệ giữa Nga và khối đã xuống ở ngưỡng thấp nhất. Tuy nhiên, thảm kịch ngày 11/9/2001 tại New York đã tạo cơ hội cho việc nối lại hợp tác và tham gia cuộc chiến chung chống khủng bố Hồi giáo cho Nga và khối quân sự.

Ngày 29/5/2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã gặp người đồng cấp Vladimir Putin tại Italia để ký những gì mà tờ The Guardian gọi là: "Một thỏa thuận thời đại sẽ cung cấp cho Nga có tiếng nói bên cạnh NATO và chôn vùi cuộc Chiến tranh Lạnh mãi mãi". Hội đồng NATO-Nga được thành lập là "một cơ quan đồng thuận gồm các thành viên bình đẳng".

Tuy nhiên, như tờ New York Times nhận xét, NATO đã lấy lý do là không cảm thấy "thuyết phục" về việc Nga đã "từ bỏ xâm lược" và từ chối cung cấp "tư cách thành viên đầy đủ" cho Moscow.

Hợp tác Nga-NATO bị lu mờ bởi sự mở rộng liên tục của NATO ở Đông và Trung Âu: Vào ngày 29/3/2004, NATO đã chấp nhận ba nước cộng hòa Baltic cũ của Liên Xô - Estonia, Latvia và Litva - cũng như các thành viên Hiệp ước Warsaw trước đây là Bulgaria, Slovakia, Slovenia và Rumani.

Phản ứng kiên quyết của Nga trước sự xâm lược của Georgia đối với các nước cộng hòa tự xưng là Nam Ossetia và Abkhazia vào tháng 8/2008 đã dẫn đến việc đình chỉ các cuộc họp chính thức của Hội đồng NATO-Nga.

2010: Từ giai đoạn hợp tác mới đến thời điểm căng thẳng nhất trong quan hệ

Sự hợp tác này đã được nối lại vào năm 2009, trong khi năm 2010, Moscow đã nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Trong Hội nghị thượng đỉnh Lisbon tháng 11, các nhà lãnh đạo NATO và sau đó là Tổng thống Dmitry Medvedev đã đồng ý bắt đầu "một giai đoạn hợp tác mới hướng tới một quan hệ đối tác chiến lược thực sự".

Trong khi đó, Mỹ có kế hoạch triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa và thiết bị quân sự ở Đông và Trung Âu dưới thời Tổng thống Barack Obama đã làm tăng thêm sự xói mòn lòng tin giữa Moscow và khối quân sự. Sau đó, cuộc đảo chính năm 2014 tại Ukraine và sự thống nhất của Crimea với Nga càng làm cho tình hình xấu đi.

Mặc dù liên minh và Nga tiếp tục duy trì các đường dây liên lạc quân sự mở, nhưng có vẻ như Moscow giờ đây sẽ không bao giờ không còn ý định muốn trở thành thành viên NATO.