Giáo dục

Chương trình GDPT 2018: Cần thay đổi cách tiếp cận môn Thể dục

Các trường cần có đủ cơ sở vật chất, xây dựng giáo án phù hợp để học sinh được lựa chọn môn thể thao yêu thích.

Hôm nay (12/4), Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các cụm trường THPT tổ chức chuyên đề môn Giáo dục thể chất theo hướng nghiên cứu bài học của Chương trình GDPT 2018. Tại buổi này, tiết học bóng rổ của bộ sách Cánh diều đã được lựa chọn làm bài giảng mẫu. Buổi dạy góp phần giúp các thầy cô giáo hiểu rõ cách xây dựng một tiết học thể chất đảm bảo phù hợp với năng lực của học sinh.

Đánh giá về buổi trao đổi chuyên môn, ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học cho biết: “Bóng rổ là môn học trong thời gian tới sẽ phát triển rất mạnh ở các trường, trong điều kiện hiện nay có sân bóng rổ cho các em học không phải là khó đối với nhiều trường.

Tuy nhiên, Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều điểm mới, chúng ta chuyển từ dạy nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và đặc biệt đối với môn Giáo dục thể chất  đòi hỏi sự đổi mới càng rõ hơn nữa”.

Học sinh tham gia buổi chuyên đề.

Vì vậy, ông Vũ cũng đề nghị các trường cần cố gắng tuỳ thuộc điều kiện để đảm bảo cho học sinh được học môn thể chất đúng theo mong muốn của các em. Thông qua buổi này, đại diện ngành giáo dục cũng nhấn mạnh vai trò đồng hành của NXB bộ sách Cánh diều trong các buổi chuyên đề để các thầy cô có cơ hội trao đổi chuyên môn với những người viết sách, giúp hiểu rõ hơn nội dung bài giảng cần đạt được.

Là người trực tiếp giảng dạy buổi chuyên đề, thầy Đỗ Quý Toản - Giáo viên Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết: “Đối với Chương trình GDPT 2018, tại nhà trường học sinh được chọn theo học bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền. Điều quan trọng các thầy cô phải xây dựng được cho học sinh niềm đam mê đối với thể thao. Trong lớp, các em sẽ có trình độ không giống nhau nhưng tất cả phải đều cố gắng động viên và tham gia vào môn học”.

Đối với nội dung sách giáo khoa liên quan đến bộ môn, thầy Toản cho rằng ở sách mới có tính linh hoạt, định hướng, gợi mở giúp giáo viên điều chỉnh phù hợp với từng năng lực, trình độ của học sinh.

PGS.TS Đinh Quang Ngọc - Chủ biên sách giáo khoa Giáo dục thể chất 10 (bộ sách Cánh diều).

Trao đổi tại buổi dạy, PGS.TS Đinh Quang Ngọc - Chủ biên sách giáo khoa Giáo dục thể chất 10 (bộ sách Cánh diều) thông tin: “Chương trình GDPT 2018 có khác biệt so với chương trình trước kia khi tăng cường nội dung lựa chọn cho học sinh. Đối với khối THPT các em được lựa chọn môn thể thao yêu thích giúp tạo môi trường học tập tích cực cho học sinh.

Về phía giáo viên cần có vai trò định hướng, tăng cường hoạt động, trong giờ học cần tạo cho học sinh khả năng tư duy, sáng tạo để các em tự chủ, tự tổ chức tập”.

Lưu ý về nội dung bài học, thầy Ngọc cho rằng sau mỗi bài sẽ có yêu cầu cần đạt đối với học sinh, sách giáo khoa xây dựng hiện nay phù hợp với tất cả các em, theo hướng gợi mở vì vậy tất cả nội dung trong sách đều có thể phát triển phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong bốn mặt giáo dục đức, trí, thể, mỹ.

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, giáo dục thể chất được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể thao, học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.