Xi nhan Trái Phải

Chúng ta có thể chết bởi cả những người… “tốt bụng”

Tại sao tôi lại để “tốt bụng” trong ngoặc kép bởi vì ý định của họ thì tốt, động cơ ban đầu tốt nhưng vì thiếu hiểu biết nên thành tồi tệ?

Là câu chuyện đau lòng vừa xảy ra ở Long An. Khoảng 17 giờ ngày 21/2, anh Lê Hoài B. (28 tuổi) đang dắt con đi chơi gần công viên ở thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, Long An). Vì đứa con nghịch ngợm định chạy ra đường nên anh giữ con lại. Thì bất ngờ có một người phụ nữ bán vé số tri hô bắt cóc trẻ em. Ngay lúc đó, Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, trú tại thị trấn Hậu Nghĩa) đang ở gần đấy lao vào ngăn cản anh B., yêu cầu anh B. lên trụ sở công an. Hai người đã xảy ra cãi cọ và sau đó, sẵn hơi men, Điền đã rút dao đâm chết anh B..

Một câu chuyện đau lòng. Không đau lòng sao được khi mà hành động ngỡ tưởng tốt đẹp: Nghe thấy tri hô bắt cóc là kịp thời can thiệp thay vì vô cảm bỏ đi vì không phải việc của mình. Điều xấu xí ở đây, tệ hại ở đây chính là việc đâm chết người vì sẵn hơi men.

Chúng ta đều thấy rằng đó là một vụ giết người không đáng để xảy ra. Vậy mà nó đã xảy ra. Trách ai đây? Giá anh B. đồng ý tới đồn công an rồi sự thật sẽ hai năm rõ mười. Giá Điền đừng phải là một gã say rượu không cần nói lý lẽ đã rút dao ra đâm chết người ta. Giá bà cụ bán vé số thay vì tri hô “bắt cóc trẻ em” mà chưa biết đầu cua tai nheo thế nào. Và giá chúng ta dạy cả lũ trẻ con mình về việc đừng phản ứng giãy lên đành đạch như thế trên đường. Giá… Giá… Thì hẳn sẽ không có một đứa trẻ mồ côi cha, một người bố tử nạn, một người “ra tay nghĩa hiệp” đi tù và nhiều day dứt cho những người ở lại.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Đây vốn không phải lần đầu tiên xảy ra câu chuyện tri hô bắt cóc trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta đã đọc vài câu chuyện như thế này rồi. Và phản ứng của những người như Điền không phải hiếm. Chúng ta đã gặp đâu đó trên mạng xã hội, khi câu chuyện đưa ra, chưa cần biết đúng sai, những comment đòi đánh, đòi giết, đòi tố, đòi tung đã ầm ĩ bên dưới. Cứ như thể, nếu ngoài đời, hẳn cũng giống một đám đông xúm lại với giáo mác tua tủa vậy.

Tại sao tôi lại để “tốt bụng” trong ngoặc kép chắc giờ mọi người đã hiểu. Là ý định thì tốt, động cơ ban đầu tốt nhưng vì thiếu hiểu biết nên thành tồi tệ. Giống như Hải Điền, sẵn hơi men, động cơ can thiệp là tốt nhưng hành xử lại côn đồ. Giống như trên mạng xã hội, động cơ là bảo vệ bạn mình, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế. Nhưng bạn mình đúng không? Lẽ phải này đã thực là lẽ phải? Những thông tin đưa ra đã đủ và chính xác chưa? Thì chẳng ai nghĩ đến. Thậm chí, đâu đó, thứ chúng ta thấy là cảm giác mọi người luôn quên rằng chúng ta còn pháp luật. Chúng ta hành xử như đang sống trong một xã hội thổ dân, bầy đàn, tự do hành xử theo ý mình.

Hẳn có nhiều người sẽ nói với tôi rằng vì pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở, vì đôi chỗ, chính những người thực thi pháp luật còn bao che, làm ngơ, thiếu tôn trọng pháp luật. Thậm chí, có những trường hợp, pháp luật của chúng ta còn quá nhân đạo khiến nhiều kẻ coi thường pháp luật. Như những kẻ rải đinh trên đường quốc lộ, những kẻ ném đá trên đường cao tốc mà xử phạt hành chính không thôi là chưa thoả đáng. Chúng ta ai cũng muốn pháp luật nghiêm minh và nặng tay hơn nhưng chính chúng ta cũng lại không thượng tôn pháp luật, coi thường pháp luật.

Chúng ta chỉ tuân thủ pháp luật khi thấy bóng dáng công an. Chúng ta chỉ vờ nghe theo pháp luật vì nó là thứ chúng ta bị bắt buộc nghe theo. Và chúng ta dạy con mình bằng chính sự coi thường pháp luật như thế.

Vậy chúng ta sẽ dùng điều gì, cái gì để bảo vệ bản thân và gia đình nếu chúng ta coi nhẹ pháp luật? Hay chúng ta lại dùng nắm đấm và sống theo kiểu đứa nào mạnh hơn đứa đó đúng?

Trở lại câu chuyện “tốt bụng”, thứ khiến tôi đau lòng hơn cả đó lại chính là việc chúng ta phải đề phòng cả người “tốt bụng” mà thiếu hiểu biết ngoài kia. Họ rất đông và rất hung hãn. Làm sao biết và ngăn cản được cả một đám đông cuồng nộ lao vào bạn chỉ vì “có người bảo nó là thằng bắt cóc trẻ em”.

Nếu một ngày bạn dừng lại trò chuyện với một đứa trẻ chỉ vì nhìn cậu bé đó, cô bé đó rất dễ thương. Thậm chí, nếu một đứa trẻ làm điều xấu xí như vẽ bậy lên tường và bạn nhắc nhở nó thì nhận được sự “đáp trả hung hãn” của đứa trẻ bằng việc khóc toáng lên rằng: “Chú này bạo hành cháu”. Bạn sẽ phân bua sao trước một đám đông hung hãn luôn có lòng tin rằng: “Trẻ em không bao giờ nói dối”? Tất cả đều chính xác y boong nhé! Bạn nhắc nhở bằng giọng nghiêm khắc cũng có thể bị coi là bạo hành. Vậy là bạn sẽ từ bỏ việc làm một điều tử tế chứ? Nghe thật đau lòng nhưng biết phải làm sao???

Vậy, cuối cùng, chúng ta phải làm sao giữa một xã hội ngày càng phức tạp đến vậy? Làm sao để bớt đi những kẻ như Hải Điền hay bà bán vé số lãng tai già cả kia? Làm sao để chúng ta bỏ đi dấu ngoặc kép bao hai chữ “tốt bụng”? Làm sao để mọi điều tử tế đều thật là tử tế? Có một vạn tám ngàn cách để đưa xã hội của chúng ta ngày một văn minh lên. Nhưng trước hết, vẫn phải nên bắt đầu từ chính chúng ta. Nếu chúng ta muốn sống trong một xã hội như thế!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Quý độc giả có ý kiến đóng góp, bài viết cộng tác chuyên mục Đa chiều - báo Điện tử Người Đưa Tin xin gửi về hộp thư điện tử: Toasoan@nguoiduatin.vn