Giáo dục

Chứng nhận nhà giáo: Băn khoăn sự cần thiết, phù hợp

Việc có thêm chứng nhận nhà giáo cần được xem xét kỹ lưỡng, phù hợp tránh trở thành thủ tục hành chính.

Bộ GD&ĐT đang trong quá trình lấy ý kiến, thảo luận xây dựng Luật Nhà giáo, đây là một trong những bộ luật được kỳ vọng tạo điều kiện để phát triển nhà giáo về số lượng, chất lượng, cơ chế chính sách, và không phải là quản lý nhà giáo.

Tuy nhiên, một trong số những nội dung đáng chú ý dự kiến nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Có nên phải thêm một chứng chỉ hành nghề?

Về nội dung này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV.

Nhìn nhận đề xuất cần có chứng nhận nghề nghiệp đối với nhà giáo gây ra rất nhiều luồng ý kiến, bà Nga cho rằng việc cần thêm một tờ “giấy phép” là hoàn toàn không cần thiết.

Lý giải về quan điểm của mình, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ: “Thứ nhất, không phải các ngành khác có chứng chỉ hành nghề thì giáo viên cũng cần phải có. Quan điểm nhiều ngành đã có quy định cần chứng chỉ như bác sĩ, luật sư thì nhà giáo cũng vậy là hoàn toàn sai lầm. Trong xã hội có rất nhiều ngành nghề nếu ngành nào cũng cần phải có chứng nhận thì rất vô lý”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu, hiện nay, muốn trở thành giáo viên sinh viên phải có bằng tốt nghiệp từ các trường cao đẳng, đại học liên quan đến ngành sư phạm. Sau đó, khi làm trong các trường công lập phải trải qua kỳ thi tuyển viên chức giáo viên.

Đối với những người không học trong ngành sư phạm ra, hiện nay vẫn có thể trở thành giáo viên nếu như có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Và được tốt nghiệp từ những ngành gần hoặc tương tự đối với công việc giảng dạy sau này.

“Sau khi có bằng tốt nghiệp ngành sư phạm đã là chứng chỉ cao nhất để hành nghề, trải qua thêm 1 kỳ thi sát hạch, bây giờ nếu phải thêm một chứng nhận nữa thì không cần thiết”, bà Nga bày tỏ.

Khi có thêm một chứng nhận nghề nghiệp đại biểu lo ngại sẽ xảy ra câu chuyện phải xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí như thế nào, “nếu sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu đạt chứng nhận sẽ rất lo ngại nhân lực sư phạm không có việc làm, nhưng nếu ai cũng đáp ứng được thì nảy sinh cái chứng nhận đó để làm gì?”, bà Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn.

Trước những quan điểm này, vị đại biểu cho rằng điều này là không cần thiết, khiến gây thêm các phiền toái thủ tục hành chính. Cùng với đó, chứng nhận hành nghề cũng không phải là hình thức thể hiện tôn vinh nhà giáo.

Luật Nhà giáo hiện nay đang rất được quan tâm, thảo luận (Ảnh: Hữu Thắng).

Đối với Dự thảo Luật Nhà giáo đang được lấy ý kiến, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đưa ra 2 nội dung quan tâm: “Tôi mong muốn trong luật phải quy định rõ vai trò, vị thế của nhà giáo trong xã hội nhưng đi đôi với nó cần có hệ thống các chính sách cho giáo viên kèm theo.

Ngay cả khi có quy định vị trí nhà giáo nhưng không có hệ thống chính sách hiện thực hoá thì cũng chỉ đề cập về mặt danh nghĩa. Chúng ta phải giải quyết được vấn đề cụ thể làm sao khi nhìn vào chính sách đó người ta thấy rằng xã hội coi trọng, trọng dụng nhà giáo đến đâu”.

Đề cập đến nội dung này, đại biểu cho rằng bắt nguồn từ thực trạng hiện nay  khi có rất nhiều vụ việc xảy ra liên quan học sinh bạo hành giáo viên, có những hiện tượng báo động ở đâu đó dường như vai trò của nhà giáo chưa được đứng đúng vị trí của mình.

Bên cạnh đó, thực trang chảy máu chất xám trong ngành giáo dục khi có nhiều giáo viên bỏ nghề và chuyển nghề, nguyên nhân một phần lớn lại do thu nhập của ngành còn quá ít ỏi so với áp lực công việc mà họ phải chịu, dẫn tới nhiều hệ luỵ mà chúng ta đã nhắc đến nhiều.

Ông Phạm Hiệp cho rằng giấy phép sẽ cản trở sự nghiệp nhà giáo.

Chỉ cần thiết với những người không được đào tạo

Cũng đồng quan điểm cần xem xét tính tác động của đề xuất này, TS Phạm Hiệp - Đồng trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục, Trường Đại học Thành Đô cho rằng giấy chứng nhận nghề nghiệp này cần thiết nếu như phục vụ cho nghề giáo phát triển. Và nếu không quy định phù hợp, đây rất dễ có thể trở thành một giấy phép tạo cản trở cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo.

“Nếu quy định về giấy chứng nhận lại trở thành một rào cản kỹ thuật không cần thiết thì rất đáng tiếc.

Ở Việt Nam, nhà giáo đã học xong 4 năm sư phạm. Nếu cần thiết có thể đổi mới đào tạo sư phạm để đáp ứng thực tiễn hiện nay thay vì việc học xong sau này lại phải có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa sẽ mất thời gian cho các bên”, ông Hiệp bày tỏ quan điểm.

TS Phạm Hiệp cho rằng nếu nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nên đi theo hướng cấp giấy ngay khi sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm; các nội dung kiểm tra, đánh giá nên tích hợp ngay trong các trường sư phạm.

Còn với người không học chuyên ngành sư phạm, muốn trở thành nhà giáo cần phải trải qua một kỳ sát hạch mà ở đó họ được kiểm tra việc thực hành nghiệp vụ sư phạm, giảng dạy thử, kiến tập, đánh giá chuyên môn trong một khoảng thời gian. Sau khi đạt tiêu chuẩn, sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp và hành nghề.

“Việc cấp chứng chỉ để những người không được đào tạo chuyên ngành có thể trở thành giáo viên, tạo sự bình đẳng giữa các nhóm lao động. Nhưng với sinh viên chuyên ngành sư phạm vẫn cần giấy này, theo tôi là điều không cần thiết”, ông Phạm Hiệp bày tỏ.

Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Theo đó, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo,