Tài chính - Ngân hàng

Chứng khoán thế giới bật tăng sau khi người Mỹ nhận “tin vui”

Chứng khoán đang tăng điểm với niềm tin ngày càng lớn rằng Fed hiện có thể đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Từ Phố Wall cho đến châu Âu, chứng khoán thế giới đã bật tăng hôm 14/11 sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đi ngang vào tháng 10. Các nhà đầu tư đặt cược rằng chuỗi tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc, và thậm chí đã nghĩ tới thời điểm chi phí đi vay bắt đầu giảm.

“Tin vui” cho nền kinh tế Mỹ

Lạm phát tiêu dùng ở Mỹ đã hạ nhiệt hơn dự kiến vào tháng 10, dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/11 cho thấy, mang lại một số tin tức đáng mừng cho các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách kiểm soát đà tăng giá mà không gây tổn hại cho nền kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,2% trong 12 tháng tính đến tháng 10, giảm từ mức 3,7% của một tháng trước đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong một tuyên bố, mang lại tin tốt cho người tiêu dùng.

Lạm phát hàng tháng hầu như không thay đổi trong tháng 10 so với tháng 9, với giá năng lượng ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh. Cả số liệu hàng năm và hàng tháng đều thấp hơn dự báo trung bình của các nhà kinh tế được MarketWatch khảo sát.

Theo Bộ Lao động Mỹ, sau khi loại trừ các yếu tố dễ biến động là giá thực phẩm và giá năng lượng, lạm phát lõi đã hạ nhiệt xuống 4% vào tháng trước, mức thay đổi nhỏ nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 9/2021.

Lạm phát lõi được các nhà phân tích và nhà giao dịch theo dõi chặt chẽ vì nó vẽ ra một bức tranh rõ ràng hơn về hoạt động của một số yếu tố cơ bản trong nền kinh tế.

Trước dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed vẫn không chắc chắn rằng lãi suất có đủ cao để chế ngự đà tăng của giá cả hay không. Ảnh: NY Times

“Đó là một bước đi rất đúng hướng”, ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, nói với hãng tin AFP, tin tưởng rằng con số lạm phát thấp hơn làm tăng khả năng Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp chính sách vào tháng 12 tới.

Fed gần đây đã giữ lãi suất cho vay chủ chốt ở mức cao nhất trong 22 năm trong cuộc họp thứ hai liên tiếp vào tháng 11, khiến một số nhà phân tích và nhà giao dịch dự đoán việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã hoàn thành.

“Các vị có thể nói lời tạm biệt với kỷ nguyên tăng lãi suất”, ông Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management ở Wisconsin, cho biết. Theo ông, các nhà đầu tư bây giờ sẽ chuyển sang đặt cược vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách của Fed, dẫn đầu là Chủ tịch Jerome Powell, có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Nhưng ông Powell và các nhà hoạch định chính sách khác cho biết rằng, bất chấp dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ, họ vẫn không chắc chắn rằng lãi suất có đủ cao để chế ngự đà tăng của giá cả hay không.

“Khoảnh khắc Goldilocks”

Dù thế nào, các nhà đầu tư vẫn đang ăn mừng việc dữ liệu lạm phát tiêu dùng thấp hơn dự kiến, khi Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones chứng kiến ngày thể hiện tốt nhất của mình kể từ ngày 2/11, trong khi Nasdaq Composite và S&P 500 có mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4 năm nay.

Theo FedWatch Tool của CME, 99,8% người tham gia thị trường kỳ vọng sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm nay và, một điều đáng ngạc nhiên là hơn 33% đang đặt cược rằng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 3/2024 sau khi chỉ số giá tiêu dùng không thay đổi vào tháng 10 so với tháng trước.

Những gã khổng lồ công nghệ Microsoft và Nvidia đã đạt mức cao mới mọi thời đại, với mức tăng hàng năm hiện lần lượt là 55% và 240%. Những cổ phiếu này đã góp phần khiến chỉ số Nasdaq tăng 12% kể từ mức thấp nhất trong tháng 10.

STOXX 600 toàn châu Âu cũng tăng vọt sau báo cáo lạm phát “lành tính” của Mỹ và cuối cùng đã tăng 1,3% khi chốt phiên ngày 14/11.

Chứng khoán đang tăng điểm với niềm tin ngày càng lớn rằng Fed hiện có thể đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ảnh: Business Insider

Phù hợp với kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ có thể đã đạt đỉnh, lợi suất trái phiếu kho bạc đã giảm hôm 14/11.

Lợi suất trái phiếu 2 năm của Mỹ, phản ánh kỳ vọng về lãi suất, giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần là 4,8318%, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 4/5. Lợi suất trái phiếu 10 năm chuẩn giảm xuống 4,4320%, mức thấp chưa từng thấy trong gần 8 tuần qua.

Lợi suất thấp hơn đã kéo chỉ số USD giảm 1,47%. Đồng USD “mềm” hơn đã thúc đẩy đồng Euro tăng 1,7% lên thành 1 Euro đổi 1,08765 USD.

Sự suy yếu của đồng USD đã giúp đồng Yên của Nhật Bản, vốn đang bị mắc kẹt gần mức thấp nhất trong 3 thập kỷ so với đồng USD, có chút nhẹ nhõm. Tỉ giá đồng Yên dao động quanh mức 150,325, với sự phục hồi nhẹ từ mức 151,92 hôm 13/11.

Chứng khoán đang tăng điểm với niềm tin ngày càng lớn rằng Fed – Ngân hàng Trung ương được theo dõi nhiều nhất trên thế giới – hiện có thể đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

“Lâu nay thị trường đã bị ám ảnh bởi quan điểm tiêu cực về lạm phát đi kèm với suy thoái kinh tế”, ông Eric Kuby, giám đốc đầu tư tại North Star Investment Management, cho biết. 

“Nhưng thực tế đang kể một câu chuyện khác. Đây thực sự giống như một khoảnh khắc Goldilocks đối với toàn bộ thị trường”, ông Kuby nói. Goldilocks là từ được sử dụng để mô tả một tình huống vừa phải, mọi thứ đều ở vào chỗ của nó.

Minh Đức (Theo Reuters, RTE, Motley Fool, Fox Business)