Thế giới

Chứng khoán Phố Wall tăng điểm sau báo cáo thu nhập của Tesla

9 trong 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đóng cửa ở mức tích cực, tuy nhiên giá dầu giảm đã tác động đến ngành năng lượng thuộc S&P 500 (.SPNY).

Các chỉ số chính của Phố Wall đã tăng lên trong hôm 21/7, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của cổ phiếu những doanh nghiệp hàng đầu bao gồm hãng xe điện Tesla.

Chỉ số Công nghiệp Dow Jones (.DJI) tăng 162,06 điểm tương đương 0,51%, lên 32.036,9. Chỉ số S&P 500 (.SPX) đại diện cho các công ty có vốn hóa lớn nhất niêm yết trên NYSE tăng 39,05 điểm tương đương 0,99% lên 3.998,95. Nasdaq Composite (.IXIC) đại diện hầu hết tất cả cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq tăng thêm 161,96 điểm tương đương 1,36% lên 12.059,61.

9 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đóng cửa ở mức tích cực. Trong đó, lĩnh vực tiêu dùng (.SPLRCD), chăm sóc sức khỏe (.SPXHC) và công nghệ thông tin (.SPLRCT) ghi nhận mức tăng lớn nhất, tăng hơn 1% mỗi ngành.

Cổ phiếu của Tesla (TSLA.O) đã tăng 9,8% sau khi hãng sản xuất xe điện của tỷ phú Elon Mussk công bố kết quả kinh doanh hàng quý vượt qua mong đợi vào cuối ngày 20/7. Amazon (AMZN.O) và Apple (AAPL.O) đều tăng 1,5%, cả 2 "ông lớn" công nghệ này đều dự kiến ​​công bố báo cáo kinh doanh vào ngày 28/7.

Các mức tăng mảng công nghệ đã giúp bù đắp sự sụt giảm của lĩnh vực viễn thông và năng lượng. Cổ phiếu của nhà cung cấp viễn thông không dây lớn hàng đầu nước Mỹ là AT&T Inc (T.N) đã sụt giảm, sau khi hãng này hạ dự báo về dòng tiền do một số thuê bao trì hoãn thanh toán hóa đơn.

Sàn Giao dịch Chứng khoán New York tại số 11 phố Wall, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Giá dầu thô Brent giao sau giảm 3,06 USD tương đương 2,9%, giao dịch ở mức 103,86 USD/thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ giảm 3,53 USD tương đương 3,5%, giao dịch ở mức 96,35 USD/thùng. Giá dầu giảm đã tác động đến ngành năng lượng thuộc S&P 500 (.SPNY).

Giá dầu đã giảm hơn 3 USD/thùng hôm 21/7 khi dự trữ xăng của Mỹ cao hơn và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất làm dấy lên quan ngại về nhu cầu giảm. Trong khi đó, nguồn cung dầu từ Libya phục hồi và Nga nối lại dòng chảy khí đốt Norrd Stream 1 sang châu Âu đã xoa dịu các hạn chế về nguồn cung.

Dữ liệu chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ xăng quốc gia đã tăng 3,5 triệu thùng vào tuần trước, vượt xa dự báo của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm do hãng tin Reuters thực hiện là mức tăng 71 nghìn thùng. 

Tại Libya, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (NOC) nước này thông báo hoạt động sản xuất dầu thô của một số mỏ đã được khôi phục, trước đó hãng đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với một số mỏ dầu do các cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, việc hãng năng lượng lớn hàng đầu Canaada TC Energy giảm hoạt động của đường ống dẫn dầu Keystone trong tuần này để sửa chữa đã thêm vào những lo ngại về nguồn cung thắt chặt.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5% lần đầu tiên sau 11 năm nhằm chống lạm phát cao có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, gây sức ép đối với nhu cầu dầu.

Các bên tham gia thị trường đang tiếp tục hồi hộp chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (FED) vào tuần tới, với dự báo nhà hoạch định chính sách sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75% để tăng cường cuộc chiến với lạm phát Mỹ hiện đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 40 năm.

Chuyên gia phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank nhận định: “Chúng tôi dự báo giá dầu Brent hợp đồng tương lai sẽ giảm xuống 100 USD/thùng vào quý IV năm nay".

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Nasdaq.com)