Thế giới

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau phiên lao dốc vì biến thể Omicron

Chính quyền Mỹ đang phối hợp cùng các công ty dược phẩm để đưa ra những phương án dự phòng và khả năng có vắc-xin mới nhằm chống lại biến thể Omicron.

Các báo cáo về biến thể Covid-19 Omicron hôm thứ Sáu 26/11 đã gợi lại cho các nhà đầu tư ký ức về mùa hè năm ngoái khi biến thể Delta lây lan nhanh chóng đã “giáng một đòn mạnh” vào đà phục hồi kinh tế cũng như niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu. Theo hãng tin CNN, hôm thứ Sáu 26/11, chỉ số Dow đã trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020, trong khi chỉ số S&P 500 có hiệu suất tệ nhất kể từ tháng 2/2021, Nasdaq Composite ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã có phiên giao dịch hồi phục vào thứ Hai 29/11 so với đợt bán tháo mạnh vào cuối tuần trước, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng trấn an các nhà đầu tư.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm thứ Hai rằng chưa tính đến việc phong tỏa liên quan đến biến thể Omicron đã không còn khả thi và ông kêu gọi người Mỹ không nên hoảng sợ về biến thể này. Bên cạnh đó, Tổng thống khuyến nghị mọi người nên tiêm phòng, đeo khẩu trang để ngăn ngừa sự lây lan của vi-rút. Ông cho biết chính quyền Mỹ đang kết hợp cùng các công ty dược phẩm để đưa ra những phương án dự phòng và khả năng có vắc-xin mới. 

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết: "Bắt đầu cảm nhận được sự lạc quan nào đó khi lắng nghe Tổng thống và Giám đốc điều hành Pfizer”. Các nhà sản xuất vắc- xin lớn như hãng dược phẩm Pfizer (PFE.N) cùng đối tác BioNTech (22UAy.DE) và các đối thủ của họ là Moderna (MRNA.O), Johnson & Johnson (JNJ.N) hôm thứ Hai cũng cho biết đang tiến hành nghiên cứu vắc- xin nhằm ứng phó với biến thể Covid-19 Omicron trong trường hợp những vắc-xin hiện lưu hành không hiệu quả đối với biến thể này.

Một du khách bên ngoài nhà ga Sân bay Quốc tế Los Angeles (bang California, Mỹ) vào ngày 25/1/2021. ẢNh: Getty Images.

Trong phiên giao dịch thứ Hai, chỉ số Công nghiệp Dow Jones (.DJI) tăng 236,6 điểm, tương đương 0,68%, lên 35.135,94. Chỉ số S&P 500 (.SPX) tăng 60,65 điểm, tương đương 1,32%, đạt mức 4.655,27. Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite (.IXIC) tăng thêm 291,18 điểm, tương đương 1,88%, lên 15.782,83. Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P, công nghệ (.SPLRCT) là lĩnh vực tăng tỷ lệ phần trăm cao nhất, tăng 2,6%. Cố phiếu của hãng dược phẩm Moderna tăng 11,8% trong ngày, trong khi Pfizer giảm gần 3% và Johnson & Johnson tăng 0,34%.

Các loại tài sản khác trước đó ghi nhận sự sụt giảm vào thứ Sáu - đặc biệt là giá dầu và tiền điện tử - cũng chứng kiến tín hiệu phục hồi. Giá dầu Mỹ tăng 2,6%, tương đương gần 2 USD/thùng, ở mức 69,95 USD/thùng. Giá đồng tiền điện tử Bitcoin đã tăng gần 6% vào thời điểm thị trường chứng khoán đóng cửa. Lợi tức trái phiếu kho bạc, từng ghi nhận giảm vào thứ Sáu, đã đảo chiều và tăng vào thứ Hai. Trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ghi nhận lãi suất 1,52% vào thời điểm thị trường chứng khoán New York đóng cửa.

Chuyên gia phân tích tại công ty Bespoke Investments cho biết: “Các nhà đầu tư đang cố gắng nghiên cứu về chủng Omicron Covid-19 mới nhất, nhưng tại thời điểm này dường như chưa có thêm được thông tin gì nhiều hơn là điều đã công bố”.

Carol Schleif, phó giám đốc đầu tư văn phòng BMO (thành phố, Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ), cho biết: “Điều này không giống như đại dịch bắt đầu lại một lần nữa”, “Mọi người sẵn sàng hít một hơi thật sâu rồi cố gắng đánh giá lại, kiên nhẫn thêm chút”.

David Kelly, chiến lược gia toàn cầu tại JPMorgan Funds, cho biết ngay cả khi các nhà đầu tư nóng lòng chờ đợi thông tin chi tiết và khả năng kháng kháng thể của biến thể Omicron, họ nên nhớ rằng "nền kinh tế sẽ bước vào năm 2022 với tốc độ tăng lương mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm và giá tài sản tăng mạnh". Ông nói thêm: “Các báo cáo kinh tế của tuần này, và đặc biệt là báo cáo việc làm hôm thứ Sáu (26/11), là bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang lấy lại động lực tăng trưởng trong quý IV”.

Hà Thanh (theo CNN, Reuters)