Xu hướng thị trường

Chứng khoán khó tăng, nhà đầu tư không kỳ vọng vào Fed

“Các nhà hoạch định chính sách của Fed không nghĩ rằng thị trường đã giảm sút nghiêm trọng đến mức họ cần phải xoay trục vào lúc này”.

Chứng khoán vừa trải qua một tuần lễ nhiều biến động. Sự phục hồi ở nửa đầu tuần giúp chỉ số S&P 500 tăng hơn 5%, mức tăng lớn nhất trong 2 ngày kể từ năm 2020.

Tuy nhiên, dữ liệu việc làm và quyết định cắt giảm nguồn cung dầu của OPEC + làm các nhà đầu tư lo lắng, khiến cổ phiếu rớt giá vào cuối tuần.

Khi phiên giao dịch kết thúc hôm 7/10, chỉ số S&P vẫn tăng 1,5% so với đầu tuần. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq lần lượt tăng 1,5% và 0,7%. Tuy nhiên, cả 3 chỉ số vẫn giảm đáng kể so với năm 2022. Chỉ số Nasdaq chỉ còn cách mức thấp nhất trong 52 tuần chưa đến 1%.

Sau khi báo cáo việc làm tháng 9 được công bố, nhà đầu tư đã định giá cổ phiếu dựa vào khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 11. Công cụ FedWatch của CME cho thấy xác suất tăng 75 điểm cơ bản là 82,3%, tăng từ 75,2% một ngày trước đó và cao hơn con số 56,5% một tuần trước đó.

Báo cáo này có thể khiến cổ phiếu rơi vào mức thấp mới của năm 2022 trong tháng này, ngân hàng Bank of America cho biết hôm 7/10.

Chứng khoán Phố Wall đã chìm trong thị trường gấu trong thời gian qua. Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm khoảng 32% và chỉ số S&P 500 giảm hơn 20% trong năm nay.

Fed đã tích cực trong việc tăng lãi suất để giảm lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, khiến chứng khoán liên tục chìm trong sắc đỏ. Giờ đây, họ đang lên kế hoạch cho một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ khác nhằm kiểm soát lạm phát.

Fed hiện đang tập trung kiểm soát lạm phát. Ảnh Time

Cổ phiếu có thể sẽ bị ảnh hưởng trước những đồn đoán về động thái của Fed. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không kỳ vọng Fed sẽ làm gì đó để chặn đà trượt giá của cổ phiếu.

“Tôi không nghĩ rằng Fed đang cố gắng làm gì đó để cứu vãn thị trường. Fed tập trung vào lạm phát, và tình huống bây giờ không giống như khủng hoảng kinh tế hoặc khủng hoảng tài chính”, ông Jan Szilagyi, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty nghiên cứu đầu tư Toggle AI cho biết khi được hỏi về cái gọi là “Fed Put”.

Fed Put đề cập đến niềm tin của các nhà đầu tư rằng các nhà hoạch định chính sách tại ngân hàng trung ương Mỹ sẽ ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ chứng khoán nếu thị trường giảm mạnh và nhanh chóng đến mức đáng lo ngại. Fed Put đã được đưa ra vào các năm 1987, 2010, 2016 và 2018, theo Viện Tài chính Doanh nghiệp Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed không nghĩ rằng thị trường đã giảm sút nghiêm trọng đến mức họ cần phải xoay trục vào lúc này, ông Szilagyi nhận định. 

“Trở lại năm 2018, khi thị trường phản ứng rất kém trước khả năng bị thắt chặt, họ thực sự đã tính đến thị trường. Nhưng đó là khi lạm phát không phải là vấn đề. Tôi nghĩ bây giờ chúng ta đang ở trong tình huống ngược lại khi lạm phát đột nhiên trở thành một vấn đề và thị trường chỉ đơn giản là sẽ bị thiệt hại về tài sản thế chấp”, ông Szilagyi cho biết.

Szilagyi cũng cho biết chứng khoán giảm vào ngày 7/10 do các nhà đầu tư từ bỏ hi vọng rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trước những căng thẳng tiềm ẩn trong hệ thống tài chính như lo ngại ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse phá sản hay ngân hàng trung ương Anh bất ngờ chi 65 tỷ bảng can thiệp thị trường trái phiếu.

Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ sáu tại cuộc họp ngày 1-2/11 để đẩy lãi suất cho vay từ mức hiện tại là 3% lên 3,25%. Đây sẽ là lần thứ 4 Fed đã tăng lãi suất cho vay lên 75 điểm cơ bản.

Nguyễn Tuyết (Theo Business Insider, CNBC)