Tài chính - Ngân hàng

[Câu chuyện của tiền] Chứng khoán hết thời trăm hoa đua nở, làm sao để tìm vàng trong cát?

Các chuyên gia cho rằng chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 nhưng cần lựa chọn phương pháp đầu tư hợp lý bởi năm tới thị trường sẽ không còn “dễ ăn”.

Chứng khoán là kênh đầu tư có tỉ suất sinh lời cao nhất năm 2021. Theo các chuyên gia chứng khoán sẽ tiếp tục là kênh sinh lời trong những năm tới.

Chứng khoán Việt vào nhóm tăng mạnh nhất thế giới

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2021 với nhiều kỷ lục bất chấp những ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Kết thúc năm, VN-Index tăng gần 36% để trở thành một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới.

Theo dữ liệu của StockQ.org, chứng khoán Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách những thị trường tăng mạnh nhất năm qua. Dẫn đầu là thị trường Abu Dhabi, Argentina, Iceland, Áo, Cộng hòa Czech. Trong khu vực, chứng khoán Việt Nam xếp vị trí cao nhất về mức sinh lời. 

Như vậy, so với nhiều kênh đầu tư, chứng khoán vẫn đang chiếm ưu thế.

Cần lựa chọn phương pháp đầu tư chứng khoán phù hợp

Khép lại một năm bùng nổ, chứng khoán trong nước vẫn đang đứng trước cơ hội mới để có thể tiếp tục chinh phục các kỷ lục mới trong năm Nhâm Dần 2022. Kết thúc năm Tân Sửu, thị trường chứng khoán biến động lên - xuống thất thường với những pha tăng - giảm điểm khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Các đơn vị phân tích và chuyên gia chứng khoán đang kỳ vọng về một thị trường sẽ còn phát triển mạnh hơn và hoàn thiện hơn trong thời gian tới, khi thị trường sẽ mở cửa lại vào ngày 7/2 tới đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, thị trường chứng khoán nhìn chung sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên sẽ không có chuyện "trăm hoa đua nở". Vì vậy, các nhà đầu tư nên có phương pháp đầu tư phù hợp cho năm 2022. 

Theo các chuyên gia, năm tới, chứng khoán sẽ không "dễ ăn" như năm vừa rồi mà là một kênh đầy thử thách. 

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám Đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam gợi ý các nhà đầu tư có thể đầu tư theo phương pháp top-down (phương pháp đầu tư từ trên xuống). 

Cụ thể, nhà đầu tư nên bắt đầu từ việc xem xét các điều kiện kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cán cân thương mại, biến động của dòng tiền, lạm phát và các khía cạnh khác của nền kinh tế. Sau đó, họ sẽ xem xét từng ngành hoặc lĩnh vực có triển vọng phát triển trong nền kinh tế vĩ mô để chọn ra những ngành có thể mang đến kết quả khả quan. 

"Dựa vào các yếu tố trên, nhà đầu tư mới xác định từng công ty cụ thể để lựa chọn cổ phiếu có khả năng hoạt động tốt" - ông Minh nói. 

Ông Nguyễn Thế Minh gợi ý các nhà đầu tư có thể đầu tư theo phương pháp top-down.

Ngoài ra, ông Minh cũng lưu ý về khả năng lãi suất tăng lại năm 2022. Theo ông Minh, khi lãi suất tăng, chứng khoán sẽ bất lợi. "Khi đó, nhà đầu tư cần lưu tâm vấn đề định giá các doanh nghiệp, sử dụng chỉ số P/B (chỉ số dùng để so sánh giá trị thực tế của một cổ phiếu so với giá trị ghi sổ của chính cổ phiếu đó) để so sánh mức lãi suất. Lãi suất là mức nền để so sánh, chọn các nhóm ngành cổ phiếu đầu tư" - ông nói.

Ông Bùi Khoa Bảo - Trưởng phòng đầu tư, Công ty Chứng Khoán VPS cũng nhận định 2022 tiếp tục là năm khả quan với thị trường chứng khoán. Theo ông, việc nhà đầu tư trong nước mở tài khoản chứng khoán những tháng cuối năm 2021 đạt kỷ lục trong lịch sử cho thấy chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022.

Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng các nhà đầu tư nếu lựa chọn để tiền vào chứng khoán cần chú ý danh mục cơ cấu theo hướng nắm giữ các cổ phiếu được hưởng lợi hoặc không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên "all-in" vào chứng khoán bởi thị trường nào cũng có rủi ro không lường trước. "Cần phân bổ tỉ trọng đầu tư vào các loại tài sản khác nhau từ vàng, chứng khoán, bất động sản… hợp lý" - ông nói.

Xem thêm: 

[Câu chuyện của tiền] Năm 2022, dòng tiền sẽ chảy vào đâu?

[Câu chuyện của tiền] Không lo “sốt đất”

[Câu chuyện của tiền] Cẩn thận tình trạng "say sóng ngành" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Giới trẻ gia nhập "đường đua" chứng khoán

[Câu chuyện của Tiền] Doanh nghiệp BĐS công nghiệp bước vào “cuộc chiến” giành thị phần

[Câu chuyện của tiền] GenZ đầu tư tài chính: Lợi nhuận không phải khoản sinh lời duy nhất

[E] “Chàng ngốc già” Nguyễn Đình Trí và câu chuyện về quản lý tài chính cá nhân