Tài chính - Ngân hàng

Chứng khoán giảm mạnh 5 phiên liên tiếp, gần 150 cổ phiếu giảm sàn

VN-Index phiên sáng 20/4 tăng nhẹ song lại quay đầu giảm mạnh và lui xuống mốc thấp nhất ngày, chỉ một số ít mã giữ được sắc xanh còn lại sắc đỏ phủ bóng thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên 20/4 tiếp tục đà lao dốc sau những phiên giao dịch tiêu cực trước đó. Chỉ số dù mở cửa có giằng co nhưng sau đó vẫn rơi mạnh khi lực bán luôn thường trực bởi tâm lý dè chừng. 

Chứng khoán hiện đang giảm gần 140 điểm so với đỉnh ngắn hạn hồi tháng 4/2022. Thực tế, thời điểm kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index quay đầu tăng nhẹ 2,32 điểm (0,16%) lên 1.408,77 điểm. 

Lực nâng đỡ vẫn chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn khi VN30 có thời điểm đã tăng đến 10,77 điểm với 23/30 mã tăng giá và chỉ 4 mã giảm giá, 3 mã tại mức tham chiếu. Các mã có đóng góp tốt nhất cho chỉ số với mức tăng lần lượt là VCB tăng 1,4% lên 78.800 đồng/cổ phiếu, MSN tăng 3% đạt 124.100 đồng và BID tăng 1,4% lên 38.500 đồng/cổ phiếu. 

Đến kết phiên, VN-Index lại dừng tại mốc 1.384,72 điểm, tương ứng giảm 21,7 điểm (1,55%) so với phiên hôm trước. Sàn HoSE có 76 mã tăng giá, 381 mã đỏ lửa và 99 mã giảm kịch sàn. Tại HNX, chỉ số chung giảm 12,65%, tương ứng 3,2% với 195 mã giảm giá và 46 mã giảm sàn.

Tuy nhiên đến phiên chiều, chứng khoán lại quay đầu giảm mạnh. Các cổ phiếu đầu cơ vẫn chưa thể thoát cảnh nằm sàn hàng loạt tại nhóm FLC và Louis. Các cổ phiếu họ Apec, Licogi, DNP Corp, Gelex vẫn tiếp tục chìm trong sắc đỏ với áp lực bán vẫn rất lớn và gây lo ngại về tình trạng bán giải chấp chéo sang cổ phiếu khác.

Chứng khoán giảm mạnh 5 phiên liên tiếp. (Ảnh: FireAnt)

Mã FLC phiên 20/4 lùi về 6.650 đồng/cổ phiếu, tức giảm hơn 70% kể từ sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết. Mới đây, FLC, HAI, ROS đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Trước đó, HoSE đã 2 lần nhắc nhở Tập đoàn FLC, Nông dược HAI và FLC Faros về việc cần tuân thủ quy định công bố thông tin. Nhóm cổ phiếu FLC, ROS và HAI cũng đã bị HoSE đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) vào ngày 8/4.

Tại các diễn đàn chứng khoán trên các hội nhóm mạng xã hội, nhà đầu tư đã nhắc đến câu chuyện bán giải (force sell) nhiều hơn và hiện tượng này có vẻ đang diễn ra khi hàng loạt cổ phiếu có nhiều thời điểm bị bán tháo dữ dội.

Nhiều mã cổ phiếu chứng khoán tiếp tục "lao dốc không phanh". Một số mã tiếp tục nằm sàn gồm APG, ORS, TVB, TVS... Một số khác phục hồi, tuy mức phục hồi rất nhỏ so với mức giảm những phiên vừa qua như SSI, VND...

Cổ phiếu dầu khí đỏ lửa. Nhóm dầu khí chỉ có duy nhất PLX giữ được sắc xanh, tăng nhẹ 0,5%. Còn lại đều giảm mạnh, đặc biệt có nhiều mã nằm sàn như PVS, PVB, PVC, PCD...

Tuy nhiên, tại nhóm cổ phiếu trụ VN30, chỉ số đại diện nhóm này chỉ giảm hơn 5 điểm. Nhóm này hôm nay có 9 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 17 mã giảm. So với các phiên hôm trước, VN30 hôm nay tuy chưa phục hồi song chỉ giảm nhẹ so với mức giảm chung. Nhiều mã nhóm này nằm trong top những cổ phiếu kéo lại đà rơi của thị trường như MSN, SAB, VHC, VIC...

Nhiều mã cổ phiếu VN30 phục hồi song vẫn không "cứu" được đà rơi của VN-Index. (Ảnh: SSI)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên hôm qua tất cả các mã đều giảm, không có một mã nào tăng giá thì nay đã phục hồi dù vẫn còn nhiều mã chìm trong sắc đỏ. Một số mã ngân hàng thậm chí nằm trong top những cổ phiếu tác động tích cực như ACB, MBB, VCB... Đáng chú ý, có 2 mã ngân hàng nằm sàn là SHB, LPB.

Nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn là điểm sáng rất lớn cho thị trường. Hiện ANV, ACL tăng kịch trần. AAM tăng 4,8%, VHC tăng hơn 4,3%...

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thủy sản tháng 3 đạt gần gần 1,02 tỷ USD, tăng mạnh 59,9% so với tháng 2 trước đó và tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung quý đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng 45,4% đạt 2,52 tỷ USD

Trái ngược với diễn biến bán mạnh của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại hôm nay mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp 440 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua mạnh hôm nay gồm: GEX, DPM, STB, VIC... Các mã bị bán mạnh gồm DCG, VHM, CII, DGW...

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.534 tỷ đồng, giảm 5,9%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 7% xuống mức 19.400 tỷ đồng.