Thế giới

Chứng khoán, giá dầu rủ nhau lao dốc: Vì đâu nên nỗi?

Những quan ngại về mức độ nguy hiểm và sự lây lan của biến thể Omicron, lạm phát tăng vọt cùng một số nguyên nhân khác kết hợp khiến phố Wall giảm điểm.

Chốt phiên giao dịch thứ Hai (20/12), Chứng khoán Phố Wall đã tiếp tục kéo dài chuỗi ngày giảm điểm gần đây, theo sau các mức giảm tương tự của thị trường tài chính châu Âu và châu Á. Những quan ngại về mức độ nguy hiểm và sự lây lan của biến thể Omicron, lạm phát tăng vọt cùng một số nguyên nhân khác đã kết hợp khiến phố Wall giảm điểm.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Giá dầu thô của Mỹ đã giảm 3,7% do lo ngại sự xuất hiện của biến thể Covid - 19 Omicron có thể dẫn tới các nhà máy và người tiêu dùng sử dụng ít nhiên liệu hơn. Bên cạnh đó, sự mâu thuẫn trong việc thông qua dự luật chi tiêu xã hội 1,7 nghìn tỷ USD của chính phủ Tổng thống Joe Biden vào cuối tuần qua cũng tác động đến tâm lý thị trường. Trước đó, thị trường đã chịu tác động mạnh từ quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc nhanh chóng kết thúc các khoản viện trợ kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát.

Nhiều nguyên nhân kết hợp đã kéo chỉ số cổ phiếu 500 của Standard & Poor (S&P 500) giảm 52,62 điểm, tương đương 1,14 %, xuống còn 4.568,02. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 433,28 điểm, tương đương 1,2%, xuống 34.932,16. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 188,74 điểm, tương đương 1,2%, xuống 14.980,94. Chỉ số Russell 2000, đại diện cho cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa thấp, đã giảm 34,06 điểm, tương đương 1,6%, xuống còn 2.139,87. Trên thị trường tài chính toàn cầu, Chỉ số Deutscher Aktien (DAX, bao gồm 30 công ty lớn nhất của Đức) ghi nhận giảm 1,9% và Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,1%.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu khí, nguyên liệu thô, các công ty công nghệ và tài chính cũng chứng kiến sự sụ giảm liên quan tới lo ngại về biến thể Omicron. Công ty Dầu khí Occidental giảm 3,8%, hãng sản xuất thép Nucor giảm 5,8%, Microsoft giảm 1,2% và Synchrony Financial, một công ty cung cấp thẻ tín dụng và các sản phẩm tài chính khác, giảm 5,2%.

Ở một diễn biến tích cực, cổ phiếu của ba "gã khổng lồ" ngành du lịch tàu biển thế giới đã tăng. Carnival Cruise Line tăng 3,4 %, đây là mức tăng lớn nhất trong S&P 500, trong khi Royal Caribbean tăng 0,3% và Norwegian Cruise Line tăng 2%.

Ông Vishnu Varathan, nhà kinh tế tại Ngân hàng Mizuho, đánh giá: “Omicron có nguy cơ trở thành một gã xấu tính cướp mất mùa Giáng sinh”, thị trường có xu hướng “muốn an toàn trước những thông tin bất ngờ”.

Trung tâm mua sắm King of Prussia ở bang Pennsylvania, Mỹ, vào ngày 4/12/2021. Ảnh: Bloomberg.

Trước tình trạng làn sóng Covid-19 đang dâng cao một lần nữa, nhiều chính phủ trên trên giới đã buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới đối với doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ Hà Lan đã phong tỏa toàn quốc từ Chủ Nhật (19/12), trong khi một quan chức Anh hôm thứ Hai (20/12) cho biết các hạn chế mới có thể sẽ tiếp tục được công bố vào tuần này. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, một địa điểm thu hút khách tham quan hàng đầu tại thủ đô London, hôm thứ Hai (20/12) thông báo đóng cửa trong một tuần vì “thiếu nhân viên lễ tân”.

Tại Mỹ, vào cuối tuần vừa qua, thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ công bố các biện pháp mới trong tuần này, “đồng thời đưa ra cảnh báo về mùa đông sẽ như thế nào đối với những người Mỹ không thực hiện tiêm chủng”.

Bên cạnh việc gây ra những thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân do những lệnh hạn chế mới, biến thể Omicron có khả năng khiến lạm phát tiếp tục leo thang và làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu. Lạm phát tại Mỹ đã tăng lên mức 6,8% trong tháng 11 so với một năm trước đó, là mức cao nhất kể từ năm 1982.

Ông Christopher Harvey, trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán của Wells Fargo Securities, cho biết: “Tôi nghĩ rằng người tiêu dùng đang quan tâm nhiều hơn đến giá cả”. 

Các chuyên gia kinh tế Lydia Boussour và Gregory Daco của Oxford Economics đã viết trong một báo cáo nghiên cứu vào tuần trước rằng FED có thể sẽ đối mặt với khó khăn khi vừa phải kiềm chế lạm phát đồng thời ngăn nền kinh tế bị suy giảm.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã giảm xuống còn 0,63%, từ mức 0,66% của hôm thứ Sáu (17/12). Trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,42%, từ mức 1,40% của cuối ngày thứ Sáu.

Hà Thanh (theo AP, CNBC)