Tài chính - Ngân hàng

Lăng kính chứng khoán 17/10: Thị trường nhiều rủi ro, nhà đầu tư nên hạ tỉ trọng

VN-Index từng thủng mốc 1.000 điểm, sau đó tăng liên tiếp 3 phiên cuối tuần, hồi phục gần 60 điểm, theo các chuyên gia, chưa thể xác định mức đáy của thị trường.

Mặc dù tình hình vĩ mô chưa có nhiều khả quan, áp lực tỉ giá và lãi suất còn hiện hữu, nhưng VN-Index đã ghi nhận sự quay đầu tăng hơn 10 điểm vào phiên cuối tuần. Sau chuỗi mất điểm liên tiếp, có lúc giảm sâu dưới 1.000 điểm, thị trường vẫn tăng trưởng nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện và sự dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.

VN-Index từ 1.035 điểm của tuần trước đó đã chạm mức thấp nhất tại 998 điểm, sau đó đã tăng điểm liên tiếp trong 3 phiên cuối tuần, hồi phục gần 60 điểm từ đáy, và so với tuần 3/10 - 9/10, VN-Index đã tăng 25,94 điểm, tương đương 2,5%.

Tuy nhiên trái ngược với xu hướng tăng điểm thì thanh khoản thị trường lại xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, để lý giải cho điều này, 2 chuyên gia của Chứng khoán BIDV và Chứng khoán Rồng Việt đều cho rằng nguyên nhân bởi tâm lý nhà đầu tư.

So sánh giá trị giao dịch TB trong vòng 1 tháng (Nguồn: Fiintrade).

Người Đưa Tin: Bất chấp nỗ lực từ cơ quan quản lý, thanh khoản trên HoSE vẫn ghi nhận mức thấp kỷ lục dù thị trường có tín hiệu hồi phục, theo ông nguyên nhân là do đâu? 

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK BIDV (BSC): Trong 2 năm vừa qua, thị trường đã tăng quá mạnh, lần lượt kiến tạo các đỉnh lịch sử. Do đó, khi giảm xuống và tạo đáy, diễn biến thị trường cũng sẽ luôn khó khăn và mức thanh khoản luôn giảm. Nhìn qua thị trường chứng khoán Trung Quốc, khi đã qua mức đỉnh, thị trường cũng sẽ đến giai đoạn khó khăn, số tài khoản giao dịch cũng giảm đi một nửa so với mức đỉnh, đây là chuyện bình thường.

Thêm vào đó, lãi suất huy động của ngân hàng ngày càng cao, đã khiến tâm lý nhà đầu tư lựa chọn rút tiền gửi tiết kiệm thay vì đầu tư chứng khoán. Các kênh đầu tư khác hiện nay như bất động sản, Bitcoin,… cũng gặp khó khăn khiến cho nhà đầu tư giảm dần quy mô danh mục, hoặc ít dùng Margin lại. Có thể cho rằng chính việc kiểm soát rủi ro, diễn biến của thị trường nói chung là tác nhân làm thanh khoản tụt xuống.

Ngoài ra, mô hình giao dịch T+2,5 (buổi chiều phiên thứ 2) ở thời điểm này cũng không còn ý nghĩa. Bởi bản chất điều đó chỉ tác động khi thị trường đang tốt, những yếu tố đó sẽ được cộng hưởng, còn khi thị trường xấu sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Ông Trần Hà Xuân Vũ, Quản lý cấp cao Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Thanh khoản thấp thể hiện tâm lý rụt rè của nhà đầu tư. Ngoài ra, nhịp hồi phục là chưa đủ để thu hút dòng tiền trở lại. 

Mức định giá VN-Index một năm trở lại đây (Nguồn: Fiintrade).

Người Đưa Tin: Liệu thị trường đã tạo đáy hay chưa và rủi ro trong ngắn hạn là gì? Nếu vẫn trong xu hướng giảm, thị trường có thể về vùng bao nhiêu điểm?

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK BIDV (BSC): Theo tôi, gần như không có câu trả lời cho câu hỏi thị trường đã ở mức đáy hay chưa, mặc dù, khi thị trường chạm 1.000 điểm đã bật lên, mức giá tốt lên, định giá tốt và còn kết quả doanh quý III phía trước. Bởi vẫn cần phải quan sát thêm thị trường sẽ phản ánh thế nào, đặc biệt có quay lại vùng 1.100 – vùng tích luỹ trước khi giảm điểm để cơ cấu lại danh mục.

Ngoài ra, với sức ép rất lớn từ thế giới, để giữ vững tỉ giá, NHNN nhiều khả năng sẽ phải tăng lãi suất tiếp. Điều đó sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường. Mới đây, việc NHNN tăng lãi suất đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm rất nhanh. Nếu lần tăng tiếp theo, thị trường vẫn giữ vững mức ổn định, có thể cho rằng thị trường đã lập đáy.

Ông Trần Hà Xuân Vũ, Quản lý cấp cao Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Hiện tại thị trường vẫn còn nhiều rủi ro và VN-Index nhiều khả năng sẽ lấp gap 1.075-1.080 trong tuần sau.

Người Đưa Tin: Khi định hướng thị trường vẫn còn một lớp “sương mù”, nhà đầu tư nên hành động thế nào để bảo toàn danh mục? 

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK BIDV (BSC): Mức rẻ của thị trường hiện tại chính là mức nền cho nhà đầu tư dài hạn ( 2-3 năm). Tuy nhiên, chiếm phần lớn là nhà đầu tư với tâm thế rất nhanh, rất ngắn, do đó nếu thị trường không thuận lợi, việc phải cắt giảm quy mô đầu tư, cắt lỗ sẽ gây ra bất lợi cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, khi không biết đâu là đáy, nhà đầu tư phải giữ tỉ trọng ở mức thấp.

Ví dụ, trước đây tỉ trọng danh mục của nhà đầu tư là 100% hoặc dùng Margin, bây giờ giảm xuống còn 23%, đồng thời nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu cơ bản, đợi khi mà thị trường ổn định hơn, xác lập những tín hiệu tốt hơn, lúc đó mới mua vào thêm. Đồng thời, khi hành động như vậy, nhà đầu tư cũng sẽ có lượng tiền chủ động hơn khi thị trường rơi sâu hơn nữa, giảm dưới 1.000 chẳng hạn. Nhà đầu tư nên chủ động kiểm soát dòng tiền và kiểm soát vị thế đầu tư.

Ông Trần Hà Xuân Vũ, Quản lý cấp cao Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Với quan điểm nhịp hồi phục còn yếu, theo tôi nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu vẫn nên chờ nhịp hồi phục để cơ cấu lại danh mục, còn đối với nhà đầu tư nắm tiền mặt thì vẫn nên quan sát, chờ tin tức tiếp theo của thị trường.