Dân sinh

Chùm ảnh miền Trung vừa chống dịch vừa gồng mình chống bão

Trong quá trình ứng phó bão Côn Sơn, các địa phương vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi tại các tỉnh miền Trung tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì theo dự báo, bão số 5, Côn Sơn, sẽ đổ bộ vào địa phương này.

Chiều 10/9, theo trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trưa cùng ngày, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Bộ đội hỗ trợ người dân đưa tài sản lên bờ. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 10km/giờ và có khả năng mạnh thêm. Đến 10h ngày 11/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.

Bão di chuyển chậm theo hướng tây với tốc độ 5km mỗi giờ. Đến 10h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Thừa Thiên-Huế đến TP. Đà Nẵng khoảng 160km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 10 đến 11, giật cấp 13.

Sau đó, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 5 đến 10km một giờ.

Những hình ảnh thể hiện tình quân dân. 

Đến 10h ngày 13/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất giảm còn cấp 9-10, giật cấp 12; rồi đổi hướng di chuyển theo hướng tây bắc với cường độ gió giảm xuống cấp 7 đến 8, tốc độ khoảng 10km mỗi giờ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. 

Từ đêm 10/9, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8- 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh.

Từ đêm 10/9 đến 13/9, ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến TP. Đà Nẵng phổ biến từ 200-300mm, có nơi hơn 350mm/đợt, ở Quảng Nam và Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi hơn 200mm.

Thu gom ngư cụ cho người dân.

Theo ghi nhận, tại TP. Đà Nẵng, người dân đang cùng lực lượng chức năng di chuyển thuyền bè vào bờ.

Ông Dương Thanh Hà, Bí thư Đảng uỷ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà. Nẵng cho biết, các lực lượng vũ trang tích cực di chuyển phương tiện đánh bắt thuỷ, hải sản lên bờ càng sớm càng tốt, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân.

Toàn phường có 457 phương tiện, trong đó các tàu, thuyền lớn neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang. Số phương tiện còn lại neo tại biển ngang đến tối nay sẽ được di dời lên hết.

Cano cứu hộ được đưa ra biển. 

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, TP. Đà Nẵng cho biết, đã thông báo cho tất cả các chủ phương tiện chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với bão.

Đồng thời UBND TP. Đà Nẵng có yêu cầu bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn khi trú, tránh bão ở khu vực âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu...

Bên cạnh đó, đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam thông tin, trước diễn biến phức tạp của bão, đơn vị đã khẩn trương bắn pháo hiệu báo bão và tuần tra, kiểm soát hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn.

Người dân cẩu tài sản của mình, đưa đến nơi an toàn. 

Đến nay đã có hơn 400 phương tiện tàu thuyền vào Cù Lao Chàm trú bão an toàn. Khoảng 1/3 số tàu thuyền này là của người dân trên đảo, số còn lại là của các địa phương khác.

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, tất cả ngư dân trên các tàu này sẽ được tổ chức cách ly riêng theo quy định.

Cảnh "cứu" tài sản trước biển diễn ra khẩn trương.

Đại uý Phan Xuân Huề, Trạm trưởng trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã chủ động liên lạc, nhắc nhở bà con ngư dân đánh bắt cá trên các tuyến biển theo dõi thông tin bão vào nơi cư trú an toàn.

Những chiếc thuyền đã đến được nơi an toàn. 

Phương tiện ở gần khu vực nào vào tránh ở khu vực đó để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác trên biển.

Trong khi đó, tại cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn đã có hơn 40 tàu cá của ngư dân ở vùng bãi ngang ven biển xã Bình Hải chủ động di chuyển tàu đến cửa Sa Cần neo đậu.

Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã có hướng dẫn cho ngư dân đưa tàu cá vào bến tránh trú, đồng thời phối hợp với gia đình chủ tàu triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho số phương tiện của ngư dân đang thực hiện cách ly tập trung.

Những chiếc thuyền thúng này là gia tài của nhiều gia đình. 

Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục thông tin cho những phương tiện đang còn hoạt động trên biển di chuyển thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão.

Theo kiểm đếm, đến trưa 10/9, tỉnh Quảng Ngãi còn 375 tàu cá, với 4.164 ngư dân đang hoạt động trên biển.

Số tàu cá này đang hoạt động trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Bắc Biển Đông và Hoàng Sa là 84 tàu, với 790 ngư dân. Đài canh bộ đội biên phòng đang giữ liên lạc và hướng dẫn cho ngư dân di chuyển tàu thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão.

Quân đội tại tỉnh Quảng Ngãi phát loa hỗ trợ người dân neo đậu tàu thuyền. 

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng chằng chống mái nhà trước khi bão vào.