Sự kiện

Chùm ảnh: Chuyện tình như cổ tích của 2 ông bà lênh đênh trên sông Hồng

Tách biệt với 28 hộ dân tại xóm phao dưới cầu Long Biên (Hà Nội), một chiếc bè nổi dập dềnh sông nước là nơi xây đắp một tình yêu chỉ có trong chuyện cổ tích giữa 2 ông bà nay đã tuổi xế chiều.

Tách biệt với 28 hộ dân tại xóm phao dưới cầu Long Biên (Hà Nội), một chiếc bè nổi dập dềnh là nơi xây đắp một tình yêu chỉ có trong chuyện cổ tích giữa ông Nguyễn Văn Thành 83 tuổi và bà Nguyễn Thị Thuỷ 82 tuổi. Mặc dù ở tuổi xế chiều nhưng 2 ông bà luôn yêu thương và đùm bọc nhau.

Theo lời kể của đôi vợ chồng già, đến nay họ đã sống với nhau được gần 50 năm. “Ông ở Thanh Hoá, ra Hà Nội ngày mới 10 tuổi, lúc ấy chả nhớ gì, ông tha phương cầu thực khắp mọi nơi. Ông gặp bà năm ông ngoài 20 tuổi", ông Thành kể lại.

"Khi đang đi lang thang ở ga Hà Nội thì nhìn thấy bà đang ngồi nhặt những hạt gạo người ta làm rơi để cho vào ống bơ mang về nấu. Sau khi ngồi nói chuyện, ông Thành ngỏ lời muốn đón bà Thủy về làm vợ, hai người cùng nhau kiếm sống qua ngày. Để ghi nhớ ngày về góp gạo thổi cơm chung ấy, ông khắc lên cánh tay dòng số “26.9.1969”, ông Thành kể.

Căn nhà phao lênh đênh trên sông rộng khoảng 15m2. “Trước đây ông nhặt nhạnh manh chiếu, mảnh tre về làm, rồi cũng có chỗ ở. Sau này các cháu thương nó giúp đỡ mới có cái bè chắc chắn thế này”, bà Thuỷ nhớ lại.

Trong phòng đủ loại đồ đạc nhưng được xếp gọn gàng ngăn nắp, phần nhiều đồ sinh hoạt như chăn màn, bắt đũa,… đều được mọi người ủng hộ.

Một góc sinh hoạt trong căn nhà phao.

Ông bà không sinh được con cái gì nên cứ cùng nhau ở vậy sống qua ngày. Cả trong những ngày khó khăn nhất, ông bà vẫn luôn đồng hành cùng nhau, có rau ăn rau có thịt ăn thịt.

Bi kịch ập đến với 2 ông bà khi bà Thủy bị mù từ tháng 8/2018, từ đó trở đi cuộc sống càng khó khăn hơn rất nhiều, khi ông Thành phải một mình lo kiếm sống qua ngày.

Hàng ngày ông Thành đạp xe quanh chợ Long Biên, người ta cho gì thì ăn nấy, có đồ ngon đều để dành để mang về cho bà ăn. Ông nhặt phế liệu từ 8h tối đến 12h đêm lại đạp xe về, may mắn nhặt được nhiều thì kiếm được được khoảng 20.000đ – 30.000đ/ngày.

Chiếc xe đạp được mọi người ủng hộ tiền mua tặng ông bà để bớt cơ cực hơn.

"Từ ngày bà bị mù, cuộc sống ngày càng khó khăn, vì bà bị mù nên ông Thành chỉ lo bà lọ mọ lại ngã xuống sông nên lúc nào đi làm cũng đều phải khóa cửa để bà Thủy an toàn", ông nói

Ngày trước khi còn khỏe mạnh, ông Thành thường vớt xác chết trôi trên sông rồi báo lại cho chính quyền. "Hơn 20 năm qua, ông không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu xác chết trôi trên sông, cứu vớt bao linh hồn bơ vơ trong giá lạnh. Những cái xác vô danh, không gia đình. “Mình làm phúc thôi, có lẽ vì thế mà ông trời thương vợ chồng tôi, bao nhiêu năm nay sông bươn chải khắp nơi mà không ốm đau gì cả, không thì cũng không biết lấy tiền đâu chữa trị”, ông Thành nhớ lại.

"Khó khăn lớn nhất khi ông bị người ta hiểu lầm đưa lên trại ở Ba Vì 4 tháng, sau nhiều lần nói còn bà vợ mù ở nhà không ai chăm sóc, ông mới được cho về. Cũng may lúc đó có anh con trai nuôi, người đã nhận ông bà làm bố mẹ nuôi 2 năm về trước và nhiều người khác giúp đỡ lúc ông vắng nhà", ông Thành bồi hồi.

Bao nhiêu năm trời 2 vợ chồng sống xa xứ chưa môt lần về quê, khi được hỏi bao lâu rồi không về, bà Thủy buồn bã buông lời: “Còn ai đâu mà về”.

Căn nhà không có điện, được mọi người giúp đỡ ông có ắc quy mặt trời nhưng bị trộm mất nên giờ chỉ sống nhờ ánh đèn điện lập lòe nửa sáng nửa tối. Mùa hè nóng bức không có quạt.

"Ngoài ra còn có thu nhập từ người dân, có người cho hoặc bán rẻ cho ít nước để ông bà tranh thủ bán cho những người đến đây bơi, tập thể dục. Mua 4.000đ bán lại 5.000đ”, ông vui vẻ kể chuyện.

Ở với nhau gần 50 năm, cũng có những lúc cãi cọ nhưng cả hai đều nhịn đi mà sống. Ông Thành bộc bạch, giờ còn sống được với nhau lúc nào hay lúc đó, chết thì chẳng sợ đâu, chỉ lo người nào đi sau sẽ cô đơn.