Môi trường

"Chưa có cơ sở để tin tưởng những số liệu ô nhiễm không khí từ app AirVisual"

Trước việc ô nhiễm không khí tại TP.HCM do hiện tượng mù quang hóa, đại diện trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã nhận trách nhiệm khi chưa kịp thời cảnh báo người dân. Tuy nhiên, những số liệu do phần mềm nước ngoài công bố chỉ để tham khảo chứ chưa có cơ sở để tin tưởng.

Chiều 9/10, bên lề cuộc họp báo về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí tại TP.HCM, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Cao Tung Sơn, Giám đốc trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM).

Trước lo ngại của người dân về ô nhiễm không khí, trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 18 - 25/9 đã xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM).

Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy hiện tượng mù quang hóa thường được hình thành trong các ngày diễn ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ mạnh mẽ, làm giảm khả năng hòa trộn, phát tán ô nhiễm.

Điều này dẫn đến tích tụ ô nhiễm, đặc biệt trong khu vực nội thành. Hiện tượng này diễn ra theo chu kỳ vào khoảng tháng Chín, Mười hoặc tháng Một hàng năm, kéo dài trong khoảng 6 – 7 ngày.

Tình hình ô nhiễm không khí trong thời gian xảy ra mù quang hóa là sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5) trong các ngày 18 – 20/9.

Trong đó, tình hình ô nhiễm cao nhất là ngày 20/9 khi bụi lơ lửng tăng 2,19 lần; NO2 tăng 1,41 lần; CO tăng 1,4 lần; PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần,...Đây là kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc không khí tại TP.HCM.

Xin ông cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này?

Hiện tượng mù quang hóa diễn ra là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam.

Điều này khiến thời tiết tại TP.HCM luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.

Hiện tượng mù quang hóa khiến các chất gây ô nhiễm không khí gia tăng tại TP.HCM.

Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân...) nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được gây tích tụ ô nhiễm.

Vì sao hiện tượng mù quang hóa gây ô nhiễm không khí đã xuất hiện từ ngày 18/9 nhưng đến hôm nay (9/10) mới có thông tin chính thức? Dư luận cho rằng quá trình xử lý chưa kịp thời, chưa nhanh chóng cảnh báo cho cộng đồng.

Trước hết, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và mong người dân cùng chia sẻ. Hiện tượng mù quang hóa diễn ra hằng năm, khoảng tháng Mười hoặc tháng Một. Nhưng năm nay là ngoài dự đoán khi xuất hiện vào tháng Chín, tức là sớm hơn.

Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, do sử dụng phương pháp cũ là quan trắc thủ công gián đoạn nên phải có thời gian lấy mẫu rồi phân tích.

Theo lộ trình, TP.HCM đang xây dựng các trạm quan trắc tự động. Đến năm 2020 sẽ có 9 trạm quan trắc tự động. Đến hết năm 2030, TP phấn đầu hoàn thành 18 trạm cố định và 1 trạm di động để nâng cao năng lực quan trắc không khí, nhanh chóng và kịp thời hơn.

Số liệu ô nhiễm không khí do ứng dụng AirVisual công bố vẫn gây tranh cãi.

Trong tình hình việc quan trắc còn chậm trễ, nhiều người đã tham khảo số liệu ô nhiễm không khí trên các phần mềm nước ngoài, ví dụ như AirVisual. Ông có bình luận gì về việc này?

Bản thân tôi cũng đã cài đặt app này từ khi nó được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội, báo chí. Tuy nhiên, tôi chưa thấy công bố thông tin rằng app này sử dụng trang thiết bị hay phương pháp như thế nào.

Vì để thực hiện quan trắc đưa ra các chỉ số về môi trường thì trang thiết bị, quy trình hiệu chuẩn và phương pháp thực hiện là rất quan trọng.

Để thực hiện quan trắc, bộ Tài nguyên – Môi trường đã ban hành quy trình, hướng dẫn chi tiết với từng phương pháp, cách lấy và phân tích mẫu. Các thiết bị phải được kiểm chuẩn, hiệu chuẩn trong vòng 12 tháng.

Theo tôi tìm hiểu, app AirVisual dùng một phương pháp khác nhưng độ sai số khác cao khi thời tiết (nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, ánh sáng) có sự bất lợi.

Đây là kênh thông tin của nước ngoài, không nói rõ quy trình cũng như cơ quan chịu trách nhiệm nên chúng tôi chưa có cơ sở để xác định mức độ tin cậy đối với các số liệu do họ cung cấp.

Cảm ơn ông!

Số liệu từ ứng dụng đo ô nhiễm môi trường AirVisual có đáng tin hay không?