Tài chính - Ngân hàng

Tổng Giám đốc BIDV: Chưa có cơ chế rõ nét cho DN phát hành trái phiếu xanh

Việc triển khai phát hành trái phiếu xanh khẳng định chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 sáng 28/2, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm thông tin, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu vốn cần cho phát triển xanh tại Việt Nam từ 2022 - 2040 lên tới 368 tỷ USD.

Trên thế giới, trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư cho tăng trưởng bền vững. Tại các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi và tăng trưởng xanh tại khu vực châu Âu, tỉ trọng phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) chiếm đến 50 - 60% tổng quy mô tài chính xanh. Tỉ trọng này tại khu vực châu Á cũng đã đạt khoảng 30-35%.

Trong xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ, BIDV đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, và đặt mục tiêu trở thành ngân hàng net zero vào năm 2050. 

Tổng Giám đốc BIDV cho biết, tổng dư nợ BIDV cấp tín dụng xanh cho thị trường đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với dư nợ là 57.000 tỷ đồng, với 1.600 dự án của 1.300 khách hàng.

Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV Lê Ngọc Lâm phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Tổng Giám đốc BIDV nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh. 

Từ đó, lãnh đạo BIDV đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm: Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.

"Điều này giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn", ông Lâm nói.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị xem xét quy định các tiêu chí xanh bao gồm các cấp độ tương ứng với các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững.

Đồng thời, ban hành các hướng dẫn cho hoạt động phát hành và báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh, trong đó xem xét đến các quy định đặc thù giữa hoạt động của tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế.

"Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông qua việc tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh như hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế, đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về môi trường, thúc đẩy công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh", Tổng Giám đốc BIDV nêu.

Ông cũng cho rằng, cần khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh như xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư mua trái phiếu (ví dụ ưu đãi về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư…); nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phát triển bền vững, cộng đồng và xã hội.