Góc nhìn luật gia

Chủ xe hay tài xế phải bồi thường khi xảy ra tai nạn?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật gây ra. Vậy trong trường hợp gây tai nạn giao thông, chủ xe hay tài xế phải bồi thường?

Theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, nguồn nguy hiểm cao độ gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:

- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Mục III Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại".

Ví dụ A là chủ sở hữu xe ôtô đã giao xe đó cho B và B khi điều khiển đã gây tai nạn thì cần phải phân biệt:

- Nếu B chỉ được A thuê lái xe và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ôtô. Do đó, A phải bồi thường thiệt hại.

- Nếu B được A giao xe ôtô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ôtô đó. Do đó, B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ôtô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ôtô đó; do đó, C phải bồi thường thiệt hại.

Như vậy, cần xem xét việc giao xe theo hình thức nào, có hợp đồng hay không và căn cứ nội dung hợp đồng để có thể xác định trách nhiệm bồi thường theo những quy định pháp luật nói trên.

Hoàng Mai