Hồ sơ điều tra

Chủ tọa phiên tòa lên tiếng về quyết định đồng ý không công bố bản án ông Phan Văn Vĩnh

Bà Nguyễn Thị Thùy Hương - Chủ tọa phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc ngàn tỉ đã chia sẻ về việc đồng ý không công bố bản án ông Phan Văn Vĩnh.

Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cùng 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Phần thủ tục, bà Nguyễn Thị Thùy Hương - Chủ tọa phiên tòa thông báo khi kết thúc sẽ đăng bản án trên cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, bị cáo Phan Văn Vĩnh đã yêu cầu không đăng bản án liên quan tới mình. Yêu cầu này đã nhận được sự đồng ý.

Trao đổi về vấn đề gây tranh cãi này, báo Người Lao Động đưa tin, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cho biết căn cứ theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, theo quy định công bố bản án công khai, bị cáo được từ chối vì lý do cá nhân và đây là quyền của họ. Chỉ cần một trong các bị cáo có đề nghị thì sẽ không đăng.

Thẩm phán Hương thông tin thêm, trong vụ án có hơn 90 bị cáo này, HĐXX cẩn thận hơn. Phải là bản án có hiệu lực thì mới được đăng tải. Bản án chưa có hiệu lực, không biết có tình huống kháng cáo, kháng nghị hay không.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh từ chối công bố bản án của mình trên cổng thông tin điện tử.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Zing, ông Phạm Công Hùng, cựu Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, căn cứ vào Nghị quyết 03/2017/NĐ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bị cáo được quyền đề nghị Tòa không công bố bản án lên mạng. Bởi lẽ, việc công bố bản án phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Ông Vũ Phi Long, cựu Thẩm phán TAND TP.HCM cũng cho rằng, việc công bố bản án là chủ trương của TAND Tối cao và việc này cần có sự đồng thuận của bị cáo.

Theo đó, ông Long nói: "Bản án chứa thông tin nhân thân như tên tuổi, quê quán... của bị cáo nên nếu họ không muốn công khai thì tòa sẽ phải ghi nhận ý kiến này. Thật ra, với phiên tòa công khai thì những người dự tòa vẫn biết. Tuy nhiên, khi công khai bản án trên website thì cả nước đều biết, thế giới biết nên nếu bị cáo không đồng ý, có đề nghị không đưa thì tòa chấp nhận".

Nói về việc nếu bị cáo không đồng ý công bố bản án thì báo chí có được quyền đưa thông tin lên mạng hay không? Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, bản án được tuyên công khai tại tòa, báo chí tác nghiệp ở tòa theo sự điều khiển của HĐXX. Vì vậy, việc đưa thông tin là được phép, không bị ảnh hưởng dù bị cáo từ chối việc công bố bản án lên cổng thông tin điện tử của tòa án.

Mộc Miên (Tổng hợp)