Dân sinh

Chủ tịch xã ở Thanh Hóa: 100% F2 “tự nguyện” để chính quyền khóa cổng

Theo ông Trịnh Hữu Vui – Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái (Thanh Hóa), 361 F2 (100%) có giấy tự nguyện đề nghị chính quyền khóa cổng khi họ đang cách ly tại nhà.

Dư luận đang xôn xao bàn tán trước việc chính quyền xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) khóa cổng các hộ gia đình có F2 thực hiện cách ly tại nhà. Nguyên nhân vì cán bộ địa phương mỏng, số lượng F2 thực hiện cách ly lớn, phân bố tại nhiều thôn xóm, một số người ý thức phòng chống dịch chưa tốt, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.

Việc này gây nhiều tranh luận, thông tin trái chiều từ công luận. Có ý kiến cho rằng, địa phương này có cách làm hay “sáng tạo” trước tình hình dịch Covid–19 ngày càng lan rộng; ý kiến khác cho rằng đây là việc làm “cực đoan”, trái luật.

Người Đưa Tin tiếp tục liên hệ với ông Trịnh Hữu Vui – Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái để tìm hiểu, làm rõ sự việc này.

Chốt kiểm soát trên con đường dẫn vào xã Hoằng Thái.

Theo ông Vui, ngày 28/8, xã Hoằng Thái phát hiện một ca dương tính với Covid–19. Đây là ca F0 liên quan tới ổ dịch tại bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa). Kết quả truy vết có 14 F1 (đã cách ly tập trung), 361 F2 cư trú tại 265 hộ dân (đang cách ly tại nhà), được phân tán tại 5 thôn thuộc xã Hoằng Thái.

Do cán bộ xã mỏng, F2 phân tán, ý thực chấp hành của một số người chưa tốt, từ nguyện vọng của nhân dân và người được cách ly, chính quyền đã quyết định khóa cổng các hộ dân có người đang cách ly tại nhà.

Trước khi tiến hành, 361 F2 (100%) đã có giấy "tự nguyện" đề nghị xã khóa cổng nhà nơi mình đang cách ly. Một số thành viên gia đình có người cách ly lúc đầu không đồng tình, nhưng sau khi được ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã tuyên truyền, vận động họ đã đồng ý.

Chính quyền xã Hoằng Thái cũng thành lập mỗi thôn một “tổ an sinh xã hội” (từ 5 – 10 người) gồm đại diện các đoàn thể xã hội. Tổ an sinh có nhiệm vụ cùng với tổ giám sát cộng đồng giám sát việc chấp hành quyết định cách ly của các F2, hỗ trợ, giúp đỡ những người cách ly và gia đình họ mua lương thực, thực phẩm, thuốc …

Công dân Lê Công Hà và gia đình đồng tình để chính quyền khóa cổng khi cách ly tại nhà để phòng chống dịch Covid-19.

“Ở đây là nông thôn, trước khi cách ly chúng tôi đã thông báo nên các gia đình đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm. Do địa phương chưa áp dụng Chỉ thị 16, 15, nếu nhà nào có nhu cầu cung ứng gì thì tổ an sinh sẽ hỗ trợ, giúp đỡ. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình có người cách ly sẽ có 5 số điện thoại của Chủ tịch UBND và lãnh đạo xã để liên hệ khi cần” – Ông Vui lý giải.

Cũng theo ông Trịnh Hữu Vui, sau khi khóa cổng, một chiếc chìa khóa sẽ do tổ giám sát cộng đồng thôn giữ, chìa khóa còn lại sẽ giao cho xã quản lý. Chính quyền khóa cổng chứ không khóa cửa nhà. Việc này thể hiện sự quyết tâm của chính quyền để những người cách ly nghiêm chỉnh chấp hành. Thực tế, đặc điểm vùng nông thôn, chủ yếu là nhà cấp 4, có sân vườn, tường rào thấp, nếu người nào cố tình ra ngoài thì không nhất thiết phải mở cổng.

Đến chiều 2/9, kết quả xét nghiệm Covid–19 lần 1 của 361 F2 là âm tính và kết quả xét nghiệm lần 2 sẽ có trong ngày mai (3/9). Theo quy định, nếu F2 sau 2 lần xét nghiệm âm tính, tùy tình hình sẽ được nới lỏng cách ly, tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Cổng một hộ dân tại xã Hoằng Thái có F2 cách ly tại nhà được khóa lại.

Ông Vui cũng cho hay, sau gần 3 ngày thực hiện biện pháp khóa cổng các hộ dân có F2 cách ly tại nhà, chính quyền chưa nhận được phản ứng bất hợp tác nào từ họ và gia đình, người dân địa phương đồng tình cao với phương pháp này của xã.

“Chúng tôi không khóa cổng nhà một cách máy móc. Gia đình nào có phòng riêng, khu vệ sinh riêng và đảm bảo các điều kiện để F2 cách ly thì chúng tôi không khóa cổng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nông thôn, cả gia đình đều sinh hoạt chung nên rất khó đáp ứng các điều kiện này” – Ông Vui nói.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc chính quyền tự khóa cổng nhà dân đối với những người được xác định là F2 là một phương pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và có thể gây ra các hệ lụy xấu đối với người dân.

Theo quy định của pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm (Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, nghị quyết của Quốc Hội, nghị quyết của chính phủ, chỉ thị của thủ tướng chính phủ, các quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh...) thì có nhiều biện pháp để thực hiện phòng chống bệnh truyền nhiễm Covid-19 ở các mức độ khác nhau như: phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16..., hạn chế đi lại, hạn chế kinh doanh, hạn chế tập trung đông người...

Đây là một trong những biện pháp hạn chế các quyền tự do cơ bản của công dân như quyền tự do đi lại, quyền cư trú, quyền lao động, làm việc... Việc hạn chế các quyền cơ bản của công dân phải căn cứ vào quy định của luật và phải được thực hiện trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì không có văn bản nào quy định về việc khóa cửa nhốt người dân là F2 ở trong nhà. Bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ quy định này do ai ban hành, căn cứ vào đâu, đối tượng áp dụng là ai và thời gian áp dụng như thế nào, các biện pháp đảm bảo ra sao...? để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra..