Xu hướng thị trường

Chủ tịch Vinaconex được quyền tự quyết gần 1.000 tỷ: Nếu ký sai ai là người chịu thiệt?

Trước kiến nghị thay đổi quy chế tài chính của một nhóm cổ đông để tránh rủi ro quản trị, ông Đào Ngọc Thanh tự tin cho rằng “tôi và anh Nguyễn Văn Đông bỏ ra 7.400 tỷ vào Vinaconex, nếu ký sai 1.000 tỷ thì trừ vào tiền của tôi cũng được chứ sao?!”. Tuy vậy, cổ đông cho rằng nếu ký sai thì người chịu thiệt đầu tiên chính là các cổ đông của Vinaconex, là tiền túi của cổ đông chứ không chỉ riêng ông Thanh hay ông Đông.

Hơn 8h sáng 28/6, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) được chính thức bắt đầu. Ngay sau khi đại hội thông qua quy chế họp khá khắt khe bao gồm: “cổ đông ngồi đúng vị trí ghế được ban tổ chức sắp xếp, đánh số thứ tự”, “không sử dụng điện thoại di động”, “không chụp ảnh”, các cổ đông có mặt khá bất ngờ khi điện thoại đồng loạt bị mất tín hiệu.

Theo chương trình họp, đại hội sẽ bế mạc lúc 11h30 nhưng phải tới 14h30, nhiều cổ đông sốt ruột vì cả buổi sáng bị mất liên lạc, đại hội mới chính thức kết thúc.

Kiến nghị bị nằm ngoài đại hội

Một trong những vấn đề “nóng” nhất tại đại hội lần này là đề xuất của một nhóm cổ đông về việc sửa quy chế HĐQT và quy chế quản trị công ty.

Trong đó, nội dung gây tranh cãi nhất là việc cá nhân Chủ tịch HĐQT Vinaconex được quyền quyết định việc huy động vốn/đầu tư vốn ra ngoài tổng công ty/đầu tư dự án, mua sắm tài sản cố định/cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản/thanh lý, nhượng bán tài sản có giá trị từ lớn hơn 5% đến 10% tổng tài sản.

Cùng với đó, Tổng Giám đốc được ủy quyền quyết định các vấn đề tương tự, nhưng giá trị bằng hoặc nhỏ hơn 5% tổng tài sản.

Với tổng tài sản gần 10.000 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2018 của Vinaconex) thì Chủ tịch Vinaconex được tự quyết tới gần 1.000 tỷ đồng, Tổng Giám đốc được quyết tối đa gần 500 tỷ đồng.

Vấn đề trên được một nhóm cổ đông gửi kiến nghị bổ sung vào chương trình đại hội nhưng không được thông qua vì có tới gần 68% cổ phần có quyền biếu quyết không tán thành. Đến phần hỏi đáp, rất nhiều cổ đông đã gửi câu hỏi đến đoàn Chủ tịch, đề nghị được làm rõ.

Là người gắn bó với Vinaconex gần 3 thập kỷ, cũng là đại diện cho một nhóm cổ đông, ông Thân Thế Hà – Thành viên HĐQT chia sẻ, ông mong muốn đoàn kết, mong muốn có một “hành lang”, chính là điều lệ, các quy chế, làm sao đảm bảo lợi ích cho nhau, tôn trọng nhau và phải công khai, minh bạch.

“Với điều lệ, quy chế tài chính, quy chế HĐQT hiện nay thì có thể thấy ngay, các quyết định quan trọng liên quan đến tài chính, dự án, hay nhân sự đều do cá nhân quyết. Điều này vi phạm ngay vấn đề quản trị rủi ro”, ông Thân Thế Hà nêu quan điểm.

Theo ông Thân Thế Hà, “bây giờ, nếu một cá nhân được quyết những vấn đề như vậy rõ ràng sẽ không minh bạch, gây ra nhiều bức xúc”.

“Cứ quá bán là thông qua”

Ông Đào Ngọc Thanh (giữa) - Chủ tịch Vinaconex nhấn mạnh việc ông làm ở VCG là vì đam mê, đáp ứng niềm tin của các thành viên HĐQT. 

Trả lời những tâm tư của ông Thân Thế Hà, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, cũng là đại diện cho cổ đông đa số (công ty TNHH An Quý Hưng, nắm gần 58% cổ phần Vinaconex) cho hay bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn phát triển thì phải đoàn kết mới thành công.

“Nhưng điều quan trọng là đoàn kết trên cơ sở nào? Quan trọng nhất là pháp luật. Chúng ta phải thượng tôn pháp luật”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, nếu HĐQT bầu lên mà làm sai pháp luật thì đầu tiên là giải tán HĐQT. “Ông Chủ tịch bầu sai mà cứ cố tình làm Chủ tịch thì giải tán ông luôn, cho ông đi tù”, Chủ tịch Vinaconex nêu góc nhìn.

Ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Ở đây không có câu chuyện phân chia quyền lực. Đây không phải là hợp tác xã mà bố làm lãnh đạo, mẹ làm kế toán, con làm thủ quỹ”.

Nhưng vì sao ông Thanh lại quyết định ngồi ghế Chủ tịch Vinaconex? “Tôi làm vì đam mê, vì sự tin tưởng của HĐQT (6/7 thành viên đồng ý bầu)”, vị chủ tịch liên tục nhấn mạnh tại đại hội.

Nhấn mạnh thêm, ông Thanh cho rằng quy chế tài chính cũng do HĐQT bỏ phiếu và đã được quá bán chấp thuận.

“Tôi và anh Đông (Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Văn Đông – PV) bỏ ra 7.400 tỷ vào Vinaconex, nếu ký 1.000 tỷ trừ vào tiền của tôi cũng được chứ sao?!”, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh trấn an cổ đông. Ngay lập tức, hội trường xuất hiện nhiều tràng vỗ tay về khả năng chịu chi của ban lãnh đạo tổng công ty.

Tiền của Vinaconex là tiền của tất cả cổ đông

Tuy nhiên, dường như chưa cảm thấy trọn vẹn với câu trả lời của Chủ tịch Vinaconex, một cá nhân đại diện cho nhóm cổ đông phản bác: “Chúng tôi không nói là các bác sai mà chúng tôi chỉ thấy rằng các quy chế mặc dù đã biểu quyết thông qua nhưng sau khi xem xét lại thì thấy rằng còn nhiều điều cần phải suy nghĩ về việc xem xét, sửa đổi bổ sung quy chế đó”.

“Thứ nhất, khoan nói đến chuyện 1.000 tỷ hay 500 tỷ, dù bác Thanh (ông Đào Ngọc Thanh – PV) hay bác Đông (ông Nguyễn Văn Đông – PV) có ký thì đều là tiền của Vinaconex, tiền của các cổ đông ngồi đây, chứ không phải tiền của An Quý Hưng bù vào.

Thứ hai, sau ĐHĐCĐ bất thường tổ chức hồi tháng 1 vừa qua, Vinaconex thay đổi tới 24 nhân sự chủ chốt ở các đơn vị thành viên. Nhưng quyền này này cũng thuộc quyền của Chủ tịch HĐQT. Cổ đông ngồi đây có biết được điều này hay không? Chúng tôi chỉ mong rằng nếu có thể được, vì có rất nhiều rủi ro trong quy chế đó nên chúng tôi kiến nghị xem xét khả năng sửa đổi, bổ sung quy chế của HĐQT và quy chế quản lý tài chính để giảm rủi ro và thể hiện tính công khai, minh bạch.

Chúng ta chưa có yếu tố kiểm soát lẫn nhau giữa các cổ đông lớn. Những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến các quy chế, đến lợi nhuận, rủi ro, phương hướng thì các thành viên trong hội đồng phải thảo luận và thông tin”, vị cổ đông nói.

Hoa Liên