Xu hướng thị trường

Chủ tịch VCCI ví von "bà đồng nát" cũng có thể lên Internet bán hàng

Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Sáng nay (28/7) diễn đàn “Chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu hàng hoá, Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA” được tổ chức tại Hà Nội, với kỳ vọng mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.

Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng bộ Công Thương cho biết, cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến. Chuyển đổi số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng bộ Công Thương.

“Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.

Cũng tại diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã ví von: “Tôi vẫn thường lấy ví dụ, một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk bằng một cú nhấn chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở New York, hay một chị thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris. Thời thương mại điện tử, "bà đồng nát" cũng có thể lên internet để bán hàng”.

Theo ông Lộc, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp Việt Nam vừa có được một nền thương mại minh bạch, hiệu quả, vừa giải quyết được vấn đề không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.

“Trong nền thương mại mới như vậy, không chỉ có việc người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cho mình mà còn có thể tương tác với người sản xuất, biến thị trường toàn cầu thời hiện đại trở về gần với “cái chất” nguyên thủ của “chợ quê”- không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà còn là một không gian giao tiếp xã hội giữa con người với con người. May đo sẽ thay thế cho may sẵn, độc bản, sự khác biệt và tinh tế sẽ lên ngôi.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sẽ song hành và trong tương lai sẽ thay thế dần cho doanh nghiệp lớn chuyển sản xuất hàng loạt trên thị trường thế giới”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, do tầm quan trọng của kinh tế số, thương mại điện tử, nên EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có một chương riêng quy định về vấn đề này. Đó chính là bảo đảm tạo thuận lợi và bảo vệ các hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ thông tin cá nhân, tôn trọng quyền tự do của các chủ thể thương mại điện tử.