Bất động sản

Chủ tịch và Tổng giám đốc Địa ốc Alibaba bị bắt: Khách hàng làm cách nào lấy lại tiền?

Sau khi Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt, người đại diện pháp luật công ty Địa ốc Alibaba không còn, thì vấn đề khách hàng quan tâm là làm sao đòi lại tiền từ Alibaba?

Ngày 20/9, Công an TP.HCM vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (địa chỉ số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh) và các công ty có liên quan trong việc phân lô, bán đất nền trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.

Nhiều người mua đất từ công ty hoang mang, tìm đến trụ sở đòi tiền.

Vậy, khách hàng làm thế nào để đòi lại tiền từ công ty này?

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Nhật Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM cho nhận định: "Đây là vấn đề khách hàng cần quan tâm lúc này. Bởi vì cả Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty đã bị bắt, người đại diện pháp luật cho công ty không còn, hoạt động của công ty bị tê liệt, thì lấy ai điều hành để giải quyết khiếu nại từ khách hàng?".

Công an làm việc tại trụ sở công ty cổ phần Địa ốc Alibaba chiều 18/9.

Cũng theo luật sư Tuấn, vấn đề quan trọng bây giờ, khách hàng cần phải làm ngay các việc sau:

"Đầu tiên, cần thu thập đầy đủ tài liệu, hồ sơ liên quan việc mua bán, giao dịch với công ty Địa ốc Alibaba như: Hợp đồng, chứng từ, giấy tờ liên quan, tin nhắn liên quan khi mua bán… để bổ sung đơn tố cáo, tố giác tội phạm; hoặc khởi kiện tới Tòa án nhân dân yêu cầu xử lý hành vi sai phạm, yêu cầu cầu đòi bồi thường…

Tiếp theo, khách hàng cần làm đơn gửi tới công an các quận, huyện tại TP.HCM, các địa phương mà mình mua đất của công ty Địa ốc Alibaba. Trong đơn có kèm theo các chứng cứ như hợp đồng, giấy tờ liên quan thể hiện hành vi vi phạm pháp luật của công ty này.

Điều cuối cùng là khách hàng cần phải hợp tác với cơ quan công an, để trình báo những chứng cứ cho rằng công ty này sai phạm. Trong khi báo công an, khách hàng sẽ tham gia với tư cách là người bị hại, để tố cáo những việc làm bất hợp pháp của công ty này.".

LS.Ths. Nguyễn Nhật Tuấn.

Theo Điều 123 và khoản 1 Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng mua bán, giao dịch giữa công ty Địa ốc Alibaba và người dân sẽ bị vô hiệu nếu vi phạm điều cấm.

Khi đó, hậu quả pháp lý là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Công ty Địa ốc Alibaba phải trả cho khách hàng số tiền đã nhận theo hợp đồng. Nếu công ty Địa ốc Alibaba không còn đủ tiền bồi thường thì sẽ phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật.

Vấn đề khi nào bồi thường, thì cơ quan công an sẽ xem xét hồ sơ mà các bị hại là khách hàng đã đóng tiền vào công ty Địa ốc Alibaba. Nếu hồ sơ đầy đủ hợp lệ, thì trong giai đoạn điều tra, CQĐT có thể xem xét trả một phần số tiền cho bị hại.

Clip: Hàng trăm cảnh sát bao vây trụ sở, làm việc gần 10 tiếng tại Địa ốc Alibaba