Sự kiện

Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo kiểm tra thông tin “rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng”

Ngày 3/12, tin từ UBND tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và làm rõ trách nhiệm thông tin “rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng”.

Clip: Rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng. (Clip quay ngày 19/11).

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh "rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng", xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.

Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng (nếu có); chỉ đạo kiểm tra toàn bộ tuyến rừng phòng hộ ven biển và sớm có báo cáo gửi về UBND tỉnh.

Theo phản ánh, tuyến rừng phòng hộ xung yếu ven biển phía Đông của tỉnh Cà Mau, do ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 quản lý thời gian qua bị chặt phá nghiêm trọng.

Cụ thể, vị trí bị chặt phá thuộc tiểu khu 136 (thuộc địa bàn xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn). Nhiều cây đước trong độ tuổi từ 15 – 20 năm bị chặt phá, có những vết chặt mới, có những vết chặt cũ.

Xen lẫn trong đó có nhiều cây vừa bị chặt cách đây chưa lâu, lõi còn nhựa màu vàng. Nhánh, ngọn cây đước vẫn còn xanh, nằm la liệt dưới mặt đất. Hơn thế nữa, có những đoạn cây được bắt làm cầu, để “lâm tặc” dễ dàng vận chuyển gỗ ra ngoài.

Hiện những vạt rừng bị lâm tặc chặt phá vào sâu gần trăm mét (tính từ bìa rừng vào – PV). Cứ xen lẫn kéo dài dọc bờ biển, rừng chỉ còn lại gốc, nhánh và đọt nằm ngổn ngang…

Một gốc cây bị chặt phá. (Ảnh chụp ngày 19/11).

Ông Đ. (người dân địa phương) nói: “Hằng năm, chứng kiến rừng bị chặt phá thật xót lòng. Nhìn gốc cây bị chặt thì biết, nó có quá trình, gốc mới chặt, gốc chặt cũ đầy ra đó. Khi thấy lâm tặc chặt cây rừng cũng chỉ biết nín thinh, không dám nói. Nói thì sẽ bị lâm tặc trả thù bằng cách phá vuông tôm”.

Còn ông S. thì nói: “Tôi từng công tác ở địa phương nên tôi biết và rất bức xúc. Có những chỗ gần tiểu khu thì chặt phá, họp HĐND tôi có nói. Nhưng sau đó, cũng vậy hoài. Họ chặt ban ngày lẫn ban đêm (đêm sáng trăng).

Vuông của dân có người giữ thì không sao, mấy vuông bị thu hồi lại thì trong vòng năm hai năm là banh hết không còn gì. Rừng bị chặt phá kéo dài theo bờ biển”.

Theo những người dân địa phương ở tiểu khu 136, rừng bị chặt phá đa phần là rừng được trồng lại sau bão số 5 (năm 2007). Cây rừng bị chặt trộm được lâm tặc “tận thu” để bán gỗ, từ bán cho hầm than, cây cho xây dựng, cây lớn bán cho xẻ ván,...